Trò chơi trực tuyến, mảng kinh doanh lõi của VNG đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Trò chơi trực tuyến, mảng kinh doanh lõi của VNG đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Hiện tượng VNG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu VNZ (của Công ty cổ phần VNG) là hiện tượng gây chú ý trên sàn chứng khoán khi có chuỗi tăng giá chóng mặt, vượt 1 triệu đồng/cổ phiếu.

Lập đỉnh hơn 1,35 triệu đồng/cổ phiếu

Trước khi có hai phiên điều chỉnh vào cuối tuần qua, cổ phiếu VNZ đã ghi nhận chuỗi dài 11 phiên tăng trần liên tiếp. Với biên độ dao động giá rộng (15%) của sàn

UPCoM, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng chóng mặt. Từ mức 240.000 đồng/cổ phiếu khi bắt đầu sóng tăng vào ngày (1/2), thị giá VNZ đã đạt đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/2, tương ứng mức tăng hơn 4,66 lần, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn. Theo đó, định giá của VNG đạt 48.701,6 tỷ đồng, tương ứng 2,06 tỷ USD trong phiên này.

Đáng chú ý, trước khi có chuỗi tăng trần trên, cổ phiếu VNZ trải qua 14 phiên liên tục không có giao dịch (kể từ khi chào sàn vào ngày 5/1/2023). Trong 7/11 phiên tăng trần, chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Thanh khoản của cổ phiếu này chỉ cải thiện lên trong những phiên gần đây, nhưng cũng chỉ tính bằng đơn vị nghìn cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trước thời điểm lên UPCoM, Công ty VNG đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên chạm mốc định giá tỷ USD và mong muốn là cổ phiếu đầu tiên của Việt Nam niêm yết sàn Nasdaq. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cuối cùng, VNG lại chọn UPCoM làm nơi giao dịch cổ phiếu.

Đà tăng của VNZ càng gây chú ý trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực, có tín hiệu gẫy xu hướng hồi phục xác lập trước Tết Nguyên đán 2023. Trong môi trường lãi suất cao, giới đầu tư toàn cầu đang tìm cách đầu tư vào tài sản thực, tránh các cổ phiếu công nghệ, nhóm doanh nghiệp chỉ mới có câu chuyện kỳ vọng, mà không có lợi nhuận.

Hay nói đúng hơn, thời kỳ “đốt tiền” lấy thị phần và kỳ vọng thị phần sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp công nghệ trong tương lai đã qua đi, các doanh nghiệp công nghệ bước vào giai đoạn thu hẹp, các đợt sa thải nhân viên quy mô lớn diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Tại thị trường chứng khoán trong nước, cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ có tài sản lớn, đặc biệt đã khẳng định được thương hiệu cũng đang giao dịch ở vùng giá thấp hơn nhiều so với VNZ. Đơn cử, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở vùng 81.600 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VGI giao dịch vùng 21.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ELC đang giao dịch 11.950 đồng/cổ phiếu…

Giá cao chỉ do khan cung

Đáng nói hơn, đà tăng của cổ phiếu dường như không liên quan tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính cập nhật của VNG cho thấy, năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 7.800,57 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận con số âm 858,35 tỷ đồng, số lỗ kỷ lục kể từ khi thành lập. Năm trước đó, Công ty lãi 414,06 tỷ đồng.

Công ty VNG đạt đỉnh lợi nhuận năm 2017 và sau đó lao dốc, lỗ kỷ lục năm 2022.

Công ty VNG đạt đỉnh lợi nhuận năm 2017 và sau đó lao dốc, lỗ kỷ lục năm 2022.

Nhìn rộng ra, VNG đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2017, với 938,12 tỷ đồng, sau đó giảm dần, năm 2020 giảm 19,1% và năm 2021 giảm 10,3%. Đặc biệt, bước sang năm 2022, Công ty bất ngờ báo lỗ 858,35 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Ngoài việc công ty mẹ thua lỗ, khoản đầu tư nhóm công ty liên kết của VNG cũng không thành công. Công ty cho biết, giá trị đầu tư công ty liên kết là 1.876,2 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 642,91 tỷ đồng, giá trị còn lại là 1.233,3 tỷ đồng.

Cụ thể, khoản đầu tư của VNG vào Tiki Global có giá gốc là 510,1 tỷ đồng, lỗ luỹ kế toàn bộ vốn đầu tư; đầu tư 33,1 tỷ đồng vào Công ty Rocketeer, lỗ luỹ kế 6,91 tỷ đồng; đầu tư 131,7 tỷ đồng vào Ecotruck, lỗ luỹ kế 23,8 tỷ đồng; đầu tư 35,3 tỷ đồng vào Beijing Youtu, lỗ luỹ kế 154,7 triệu đồng; đầu tư 515,3 tỷ đồng vào Telio, lỗ luỹ kế 58,1 tỷ đồng và đầu tư 512,5 tỷ đồng vào Funding, lỗ luỹ kế 44,1 tỷ đồng.

Thêm nữa, từ năm 2020 đến 9 tháng đầu năm 2022, cơ cấu lợi nhuận của Công ty VNG chủ yếu từ lĩnh vực dịch vụ trò chơi trực tuyến và dịch vụ quảng cáo trực tiếp chiếm trung bình 91,59% tổng doanh thu của Công ty. Các lĩnh vực khác như cung cấp phần mềm TrueID, dịch vụ thanh toán… đóng góp không đáng kể.

Theo tìm hiểu, dịch vụ trò chơi điện từ chủ yếu là sản phẩm thẻ/mã số thẻ trò chơi được nạp vào trò chơi và dịch vụ quảng cáo trực tuyến chủ yếu sản phẩm quảng cáo trên web, trang chủ của trò chơi và các nền tảng kết nối.

Có thể thấy, hoạt động cốt lõi của VNG đang chịu áp lực cạnh tranh ngày một cao khi ngày càng có nhiều nhà phát triển trò chơi điện tử. Cuộc chiến thị phần giữa các nhà phát triển trò chơi ngày một gay gắt đã ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận của VNG từ năm 2017 tới nay. Cụ thể, theo dữ liệu của 42matters, trên Google Play, Việt Nam có 1.658 nhà phát triển trò chơi trong tổng 194.329 nhà phát triển, đồng thời có 6.476 trò chơi từ các nhà phát triển Việt Nam trên tổng 536.988 trò chơi.

VNG có cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc, trong đó tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn và cổ phiếu quỹ đã chiếm 83,25% vốn điều lệ. 16,75% sở hữu còn lại thuộc về nhóm cổ đông bên ngoài, tương ứng khoảng hơn 6 triệu cổ phiếu. Trong số hơn 6 triệu cổ phiếu này, có một tỷ lệ không nhỏ do nhân viên Công ty nắm giữ, do đó, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài rất thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để cổ phiếu này tăng giá mạnh, khi cung - cầu không cân đối.

Tuy vậy, sau chuỗi tăng nóng vừa qua, giới quan sát đang dự đoán cổ phiếu VNZ sẽ sớm kích hoạt động thái bán ra của người liên quan và có thể là cả nhà đầu tư lâu năm. Trong phiên giao dịch 16/2, khi cổ phiếu này có dấu hiệu hạ nhiệt, thanh khoản cũng được cải thiện, với 11.234 đơn vị được khớp lệnh.

Tin bài liên quan