Hiệp định khung kết nối Việt Nam - Singapore: Sẽ tiếp tục có sáng kiến mới

Hiệp định khung kết nối Việt Nam - Singapore: Sẽ tiếp tục có sáng kiến mới

(ĐTCK-online)Mặc dù còn không ít vướng mắc cần giải quyết, cũng như hoàn thành các đề xuất kết nối mà 2 bên đã ký kết trong Hiệp định khung kết nối Việt Nam - Singapore (gọi tắt là Hiệp định), song trong kế hoạch tới đây, việc đề xuất thêm các sáng kiến mới tiếp tục được tính đến, trên cơ sở xác định lĩnh vực có tiềm năng.

Cũng cần phải nói rằng, sáng kiến phát triển cảng biển và dịch vụ logistic tại Việt Nam được đề xuất sau gần 1 năm Hiệp định có hiệu lực, đang được triển khai tích cực cùng với 6 nhóm công tác kết nối chuyên ngành giữa Việt Nam và Singapore trước đây.

Trong sáng kiến mới này, nhóm công tác đã xác định, khu vực Thị Vải là mô hình tham khảo và nhân rộng ở Việt Nam, với những đề xuất và biện pháp chính sách để Việt Nam xem xét phát triển ngành dịch vụ logistics ở Thị Vải, qua đó phục vụ hiệu quả nhu cầu của ngành sản xuất ở khu vực miền Nam. Theo đó, nhóm công tác đề xuất sử dụng đất để phát triển khu vực dịch vụ logistic liên hợp ở Thị Vải. Được biết, phía Singapore đã tiến hành khảo sát và tìm hiểu thực địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhóm công tác phía Việt Nam cũng đã lên các phương án dành đất cho Singapore xây dựng khu liên hợp dịch vụ logistics, tiếp tục nghiên cứu để có phương án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là đẩy nhanh thời gian xử lý, cấp phép cho các dự án. Khá nhiều dự án dù đã được 2 bên nhất trí triển khai ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, không cần trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xin chủ trương, nhưng tiến độ thực hiện lại chậm. Đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa nhận được tài liệu, thông tin nào từ phía các nhà đầu tư Singapore đối với Dự án Phát triển khu đô thị theo kiểu Singapore tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác; Dự án Phát triển cá giống và nuôi cá, cũng như Dự án Phát triển khu công nghiệp theo mẫu khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Riêng Dự án Kinh doanh bảo hiểm 100% vốn Singapore tại Việt Nam đã được khởi động với việc chuẩn bị xin cấp giấy phép hoạt động. Các công ty bảo hiểm của Singapore đã thành lập 3 văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam...

Theo đề xuất của phía Việt Nam, để đẩy nhanh thời gian của các dự án đầu tư đối với các dự án quy mô nhỏ và vừa, phía Singapore nên chủ động nghiên cứu các quy định, luật lệ của Việt Nam để lập dự án trước khi gửi sang cho phía Việt Nam giải quyết. Đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp hoặc mang tính biểu tượng của cả nước, cách tiếp cận được đề xuất là, sau khi thống nhất về ý tưởng, lãnh đạo 2 nước sẽ đồng ý về nguyên tắc, đồng thời giao cho các cơ quan cấp dưới triển khai thực hiện.

Đặc biệt, do hệ thống quản lý hành chính, kinh tế của 2 nước có một số khác biệt, nên khi phát sinh sự cố với các dự án, việc phối hợp giải quyết gặp khá nhiều khó khăn. Trường hợp của Dự án Giáo dục SITC là một ví dụ. Ở đây, việc duy trì liên thông các cuộc gặp, cập nhật thông tin và chủ động trong các hoạt động hợp tác để kịp thời giải quyết các bất đồng phát sinh, tạo điều kiện đẩy nhanh việc triển khai các cam kết, được coi là một trong những phần việc quan trọng, vì về nguyên tắc, Hiệp định kết nối không hoàn toàn là cam kết mở cửa thị trường cho nhau. Thực chất, đây là thoả thuận tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, tạo kênh điều phối, gặp gỡ giữa các cơ quan liên quan của 2 nước.

Singapore là nước đứng thứ hai trong tổng số 78 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam . Quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án là 18,7 triệu USD, ở mức cao so với mức chung của các dự án trong toàn quốc và một số nước khác. Các nhà đầu tư Singapore có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam , từ thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông, lâm, hải sản. Họ tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ, với 207 dự án, có tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm 60,7% tổng vốn đăng ký. Cho tới nay, các nhà đầu tư Singapore đã có mặt tại 32/64 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó, chủ yếu ở  Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...