Hiểu đúng về khái niệm tập đoàn

(ĐTCK-online) Cho đến nay, khái niệm tập đoàn đang được hiểu chưa chính xác trong giới kinh doanh đầu tư. Đây là một trong những lý do mà mới đây, Văn phòng Chính phủ đã nhận được khá nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp về việc có thể đăng ký kinh doanh với tên doanh nghiệp là tập đoàn hay không, và rằng tiêu chí nào để xác định doanh nghiệp là tập đoàn hay chỉ là công ty…

Cũng đã có ý kiến về việc có cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận đăng ký tập đoàn như là một thành tố của tên doanh nghiệp…

Bình luận về những ý kiến trên, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, đang có sự hiểu chưa chính xác về khái niệm tập đoàn. Thực chất, tập đoàn là một nhóm công ty độc lập liên kết với nhau và không có tư cách pháp nhân. “Có nghĩa là, không thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh đề nghị đăng ký Tập đoàn A, Tập đoàn B. Việc hình thành tập đoàn là sự thỏa thuận của các công ty với nhau, công bố bằng các quy chế, thỏa thuận trên cơ sở quyết định của chính các thành viên. Việc lựa chọn tên tập đoàn cũng do các bên tham gia tự quyết định”, ông Ân nói.

Như vậy, cần phải khẳng định rằng, tập đoàn không phải là một loại hình doanh nghiệp, không phải là một mô hình pháp lý, mà chỉ là mô hình liên kết. Chính vì vậy, sẽ không thể đưa ra tiêu chí thế nào là tập đoàn, cũng không thể có những quy định thủ tục để biến công ty thành tập đoàn. Ông Trần Tiến Cường, Trưởng Ban Doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng khẳng định rằng, thông lệ quốc tế cũng không coi tập đoàn là một mô hình với các quy chuẩn nhất định. Phụ thuộc từng thời điểm, tình hình kinh tế cụ thể của mỗi nước, khái niệm tập đoàn được vận dụng khác nhau.

Như vậy, có thể nói, các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự tụ tập thành nhóm và công bố việc hình thành tập đoàn theo chiến lược kinh doanh được các bên tham gia chấp nhận. Điều này cũng tương tự như việc Thủ tướng Chính phủ với vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với các tổng công ty nhà nước ra quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Điều quan trọng là, xác định đúng hoạt động của tập đoàn là xây dựng một thế lực kinh tế cùng tăng khả năng cạnh tranh, chia sẻ rủi ro với nhau trong một mối liên kết chung. Nguyên tắc độc lập của các công ty tham gia vẫn phải được đảm bảo.

Cũng cần phải nói thêm rằng, hoạt động của các công ty trong một tập đoàn sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ về tài chính. Bởi, kinh nghiệm hoạt động của các tập đoàn kinh tế trên thế giới cho thấy, “bệnh” của tập đoàn nhiều khi rất khó kiểm soát, như các hoạt động giao dịch nội gián, chuyển vốn, chuyển giá…

Được biết, những nội dung làm rõ về khái niệm tập đoàn sẽ được quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (dự kiến trình Chính phủ trong tháng tới).