Thắt chặt chính sách tiền tệ được đặt lên nhóm đầu trong các giải pháp kiềm chế lạm phát

Thắt chặt chính sách tiền tệ được đặt lên nhóm đầu trong các giải pháp kiềm chế lạm phát

Hiểu thế nào về kiểm soát tín dụng 30%?

(ĐTCK-online) Lạm phát quý I/2008 ở mức 9,19% so với tháng 12/2007 đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 đã được Quốc hội phê duyệt từ đầu năm. Giảm tăng trưởng tín dụng là một giải pháp cần thiết được đề ra để chống lạm phát, nhưng yêu cầu giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 30% vẫn có những cách hiểu khác nhau về cách thức thực hiện.

Trên thực tế, tình hình quốc tế và trong nước đang có diễn biến bất thường như kinh tế thế giới có sự suy giảm mạnh so với năm 2007 và những dự báo trước đó, đặc biệt là kinh tế của Mỹ chiếm 25% GDP thế giới đã bước vào suy thoái do ảnh hưởng của khủng hoảng thị trường bất động sản; Trung Quốc cũng điều chỉnh tăng trưởng từ mức 11% giảm xuống còn 8%; lạm phát mang tính toàn cầu do tác động của giá dầu thế giới cao, cùng với giá lương thực tăng cao. Thêm vào đó, thời tiết trong nước rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, dịch bệnh ở gia súc gia cầm vẫn xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước…   

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt trong năm nay là tập trung kiềm chế lạm phát, và dự kiến điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 8,5%-9% xuống 6,5-7,5% trong năm 2008 để trình Quốc hội xem xét, nhằm duy trì cho được tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đất nước trong trung hạn và dài hạn.

Trong 7 nhóm giải pháp đặt ra để kiềm chế lạm phát thì thắt chặt chính sách tiền tệ được đặt lên ở nhóm đầu, bởi lạm phát cho dù do nhiều nguyên nhân, nhưng luôn có nguyên nhân tiền tệ. Để thắt chặt tiền tệ thì cần phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng không vượt quá 30% trong năm 2008.

Liên quan đến giải pháp này, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, khống chế 30% tăng trưởng tín dụng là khống chế đến thời điểm 31/12/2008, còn trong năm tín dụng có thể vượt quá con số đó. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu để trong năm vượt quá 30% thì cả năm khó đạt được mức 30%. Điều này rút ra từ bài học về tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Xung quanh ý kiến tranh luận này, xin cùng trao đổi như sau:

Mục tiêu kiểm soát tín dụng ở mức 30% là nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng cung tiền trong năm, qua đó kiểm soát lạm phát, vì tín dụng là yếu tố đóng góp nhiều (hơn 80%) đến mức tăng M2 (khối lượng tiền trong nền kinh tế).  Nếu chúng ta để tín dụng tăng thoải mái trong suốt 11 tháng trong năm, sau đó đến tháng  12 mới rút về 30% (giả sử có khả năng thu được nợ) thì chắc rằng, chúng ta không thể kiềm chế lạm phát qua việc hạn chế cung ứng tiền được. Đồng thời, trong thực tế khi tín dụng đã vượt 30% rồi thì khả năng rút về lại rất khó. Vì vậy, để kiểm soát lạm phát thì hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 30% phải được hiểu là, tại mọi thời điểm trong năm, tổ chức tín dụng không vượt quá 30% hoặc linh hoạt hơn thì mức bình quân cả năm so với cùng kỳ không vượt quá mức 30%.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là làm sao có thể kiểm soát được 30% tăng trưởng tín dụng, khi mà tốc độ tăng tín dụng năm 2007 và quý I/2008 vẫn ở mức cao? Nên chăng, cần cân nhắc thêm các giải pháp sau đây:

- NHNN cần có quy định một tỷ lệ nhất định về tốc độ tăng trưởng tín dụng trên tổng huy động vốn trên thị trường cấp 1 không quá 85%.

- Bên cạnh việc hạn chế các đối tượng cho vay bằng ngoại tệ như NHNN đang thực hiện, thì để  hạn chế nhập siêu, theo ý kiến của Bộ Công thương là NHNN cần hạn chế cho vay nhập khẩu và hạn chế bán ngoại tệ cho đơn vị nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu và ô tô.

- Phối hợp với các bộ, ngành hạn chế hoặc đình chỉ cho vay những dự án kém hiệu quả.

Các giải pháp nêu trên, nếu được thực hiện đồng bộ sẽ hạn chế được tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng ngoại tệ từ nguồn vốn vay ngoại tệ từ nước ngoài vào mà hiện nay một số NHTM đang sử dụng cho vay. Ngoài ra, sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống, đồng thời hạn chế thâm hụt cán cân thương mại đảm bảo cân đối vĩ mô.