Tính chung, các doanh nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô vốn sau khi lên niêm yết trên HOSE

Tính chung, các doanh nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô vốn sau khi lên niêm yết trên HOSE

HOSE: Kênh huy động vốn trung và dài hạn

(ĐTCK) Với mục tiêu của Chính phủ xây dựng thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Sở GDCK TP. HCM trong 15 năm qua đã nỗ lực xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của thị trường chứng khoán tập trung, để các doanh nghiệp có thể huy động vốn qua thị trường phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Với mục tiêu của Chính phủ xây dựng thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Sở GDCK TP. HCM trong 15 năm qua đã nỗ lực xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của thị trường chứng khoán tập trung, để các doanh nghiệp có thể huy động vốn qua thị trường phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Với 2 cổ phiếu niêm yết ban đầu, đến nay, trên Sở GDCK TP. HCM, đã có 307 cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ đóng, 1 chứng chỉ quỹ ETF và 38 trái phiếu được niêm yết và giao dịch. Các công ty niêm yết trên Sở đa phần có quy mô lớn, có vị thế đầu ngành, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản, đưa giá trị vốn hóa các công ty niêm yết trên Sở đạt 985.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014, chiếm gần 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương khoảng 25,5% GDP ước thực hiện của năm 2014.

Đã có 496 đợt phát hành thêm huy động vốn cho các doanh nghiệp niêm yết được thực hiện kể từ khi Trung tâm GDCK TP. HCM (nay là HOSE) chính thức đi vào hoạt động, với tổng số vốn huy động được đạt 141.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2011 - 2014, có 241 đợt phát hành huy động vốn với tổng số tiền huy động đạt 95.000 tỷ đồng. So sánh với giá trị vốn hóa thị trường qua các năm, tính trung bình trên toàn thị trường, khoảng hơn 1/3 giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp hiện tại (37,4%) có được từ việc huy động vốn qua thị trường.

Bên cạnh các đợt phát hành thêm huy động vốn, các doanh nghiệp niêm yết cũng thực hiện nhiều đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thanh toán cổ phiếu thưởng. Tổng số đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu qua 15 năm đạt 963 đợt, với lượng cổ phiếu phát hành thêm đạt hơn 17,6 tỷ đơn vị (Giai đoạn 2011-2014, có 459 đợt, với số lượng là 12,1 tỷ cổ phiếu). Nghĩa là, các doanh nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô về lượng cổ phiếu phát hành sau khi lên niêm yết trên thị trường.

Cụ thể, trong lĩnh vực ngân hàng, 6 ngân hàng hiện đang niêm yết trên Sở kể từ năm 2006 có số lượng niêm yết lần đầu tổng cộng là 4,8 tỷ cổ phiếu. Tính thêm lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung là phần vốn của Ngân hàng Nhà nước tại Vietcombank (VCB) và Eximbank (EIB) thì khối lượng này đạt 6,6 tỷ cổ phiếu. Đến thời điểm 31/12/2014, số lượng cổ phiếu niêm yết của 6 ngân hàng sau 27 đợt phát hành và niêm yết bổ sung đã đạt 10,4 tỷ cổ phiếu, tăng 36% so với quy mô cổ phiếu trước khi lên niêm yết. Các đợt phát hành thêm huy động vốn thu về cho các ngân hàng hơn 44.400 tỷ đồng, chiếm 20% so với giá trị vốn hóa các ngân hàng vào thời điểm cuối 2014 (223.600 tỷ đồng). Còn nếu so sánh với giá trị vốn hóa của các ngân hàng vào thời điểm phát hành thì con số này chiếm tỷ trọng gần 39%.

Xét riêng TOP10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hàng đầu trên thị trường (trừ ngân hàng), nhóm này đã tăng trung bình 2,3 lần quy mô về cổ phiếu phát hành sau khi lên niêm yết (từ 3 tỷ cổ phiếu niêm yết lần đầu lên hơn 7 tỷ cổ phiếu cuối năm 2014). Trong nhóm này, tăng mạnh nhất về lượng cổ phiếu phát hành sau khi lên niêm yết là KDC – 10,2 lần, VNM – 6,2 lần và đặc biệt là VIC – 18 lần do thực hiện các hoạt động chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phiếu... Tổng số tiền huy động được từ các đợt phát hành là 17.500 tỷ đồng.

Tin bài liên quan