Hướng đi mới cho nông sản Việt tại thị trường UAE và khu vực Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên kết với các tập đoàn bán lẻ lớn của khu vực Trung Đông chính là hướng đi mới để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường 400 triệu dân với nhu cầu rất lớn, lên tới 40 - 70 tỷ USD mỗi năm.

Ngày 12/9/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã phối hợp với Tập đoàn Lulu khai trương sự kiện Vietnamese Food Fest, mở đầu cho Tuần lễ quảng bá nông sản xuất khẩu và ẩm thực Việt Nam tại UAE (12 - 22/9/2022).

Tuần lễ này sẽ diễn ra đồng loạt ở cả 3 chi nhánh chính của hệ thống Siêu thị Lulu tại các trung tâm thương mại lớn của UAE: Al Mushrif Mall (Thủ đô Abu Dhabi), Al Barsha Mall (Dubai) và Al Rayyan Mall (Sharjah). Nhiều chương trình khuyến mại khi mua hàng hóa, sản phẩm Made in Vietnam đã được áp dụng trên toàn bộ hệ thống Siêu thị Lulu tại UAE trong dịp này.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn và các đại biểu cắt băng khai trương Tuần lễ Vietnamese Food Fest tại siêu thị Lulu, UAE.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn và các đại biểu cắt băng khai trương Tuần lễ Vietnamese Food Fest tại siêu thị Lulu, UAE.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Tuần lễ quảng bá nông sản và thực phẩm tại Siêu thị Lulu, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực Vùng vịnh và Trung Đông, với 236 siêu thị hoạt động trên khắp thế giới.

“Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên hợp tác giữa Đại sứ quán Việt Nam tại UAE và Tập đoàn Lulu, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất khu vực, mà còn là hoạt động trọng tâm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và xúc tiến ngoại giao kinh tế của Việt Nam nói chung”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết.

Ngay trong ngày khai trương, sự kiện đã thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. Phía Siêu thị Lulu đã rất tinh tế khi mang đến một không gian đậm chất Việt Nam, từ tà áo dài của đội ngũ đón khách người bản địa, không gian trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ, tới khu vực giới thiệu sản phẩm nhập khẩu Made in Vietnam.

Khách tham quan và mua sắm tại siêu thị rất thích thú khi chứng kiến dải sản phẩm đa dạng với gần 100 mặt hàng được nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam, từ các loại rau củ và trái cây như thanh long, ổi, xoài, măng cụt, đu đủ, bưởi, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, cho tới các loại gạo, hạt điều, hải sản đông lạnh, đồ khô và cả hàng may mặc, các sản phẩm vật tư y tế phòng chống Covid-19, và các mặt hàng gia dụng. Đặc biệt, tại khu vực Chef Live Cooking, bếp trưởng người Việt đã trực tiếp trình bày và phục vụ quan khách các món ăn đã thành thương hiệu của Việt Nam trên thế giới như phở, nem rán, nem cuốn tôm, gỏi đu đủ, chè sữa dừa…

Các đại biểu nghe giới thiệu và thưởng thức ẩm thực Việt Nam được chế biến và phục vụ trực tiếp tại quầy Chef Live Cooking.

Các đại biểu nghe giới thiệu và thưởng thức ẩm thực Việt Nam được chế biến và phục vụ trực tiếp tại quầy Chef Live Cooking.

Đánh giá về sự kiện này, ông V.Nanda Kumar, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Tập đoàn Lulu, cho biết: "Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhân dịp Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc khánh và đánh dấu một bước phát triển mới trong hợp tác giữa Tập đoàn Lulu và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE. Tập đoàn LuLu có một mạng lưới các nhà cung cấp thực phẩm và phi thực phẩm đa dạng tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất tự hào khi được mang các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với người tiêu dùng tại UAE, giúp họ có cơ hội trải nghiệm sức ảnh hưởng rộng lớn, sự hấp dẫn kỳ lạ, hương vị tuyệt vời của ẩm thực Việt Nam, cũng như chất lượng lâu bền của các mặt hàng phi thực phẩm".

Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn, mô hình này cần được nhân rộng, bởi thị trường UAE nói riêng và khu vực Trung Đông lâu nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả với các mặt hàng nông sản Việt Nam, dù đây là thị trường có tiềm năng rất lớn.

Khu vực Trung Đông bao gồm 16 quốc gia với dân số khoảng 400 triệu dân, hầu hết đều có mức sống cao. Trong đó, riêng về các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỗi năm khu vực này nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD và dự báo đến năm 2035, tổng giá trị nhập ngành hàng này dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

“Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của các quốc gia Trung Đông khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, trong khi thuế nhập khẩu của khối này khá thấp. Do đó, đây là thị trường rất tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, một trong những rào cản chính yếu là Việt Nam chưa xây dựng được mạng lưới các nhà phân phối và đầu mối xuất nhập khẩu có kinh nghiệm, quan hệ tốt và hoạt động ổn định tại UAE và khu vực Trung Đông, cũng như chưa có những thương hiệu có khả năng “định dạng Việt Nam” đối với người tiêu dùng ở sở tại. Do đó, các sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao, song vẫn phải nhập khẩu vào khu vực này qua kênh thứ ba, hoặc dưới thương hiệu nước ngoài.

Một vấn đề khác là giá thành sản phẩm hiện nay vẫn khá cao so với giá thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có cùng dải mặt hàng như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Đặc biệt, khi UAE đang đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định mậu dịch tự do song phương (CEPA) với ưu đãi thuế suất bằng 0, cuộc đua đang trở nên cấp thiết hơn và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này.

Vì vậy, mô hình hợp tác liên kết với những Tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực như Lulu sẽ là điểm tựa tích cực cho các sản phẩm nông sản nói riêng và xuất khẩu nói chung của Việt Nam tiếp cận thị trường UAE và thị trường khu vực Trung Đông.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, Đại sứ quán Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tập đoàn và siêu thị khác để xây dựng mạng lưới nhập khẩu và phân phối sản phẩm ổn định tại UAE và Việt Nam, từ đó đảm bảo thúc đẩy thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sang Siêu thị Lulu, cũng như các hệ thống siêu thị khác tại UAE và khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

Tin bài liên quan