Hiện nay, tổng diện tích cà phê của cả nước vào khoảng 500.000 ha.

Hiện nay, tổng diện tích cà phê của cả nước vào khoảng 500.000 ha.

Hướng tới sự bền vững

(ĐTCK-online) Vấn đề có tính cấp thiết được đặt ra đối với ngành cà phê Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng sản phẩm, để khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Mặc dù những năm gần đây, diện tích và sản lượng cà phê có bước phát triển nhanh chóng, cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, nhưng những bất cập trong sản xuất, chế biến đã dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh sự thiếu gắn kết giữa quy hoạch với sản xuất, tình trạng tự phát, manh mún trong phát triển vùng nguyên liệu cũng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê...

Những vấn đề này đã được “mổ xẻ” tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đak Lak tổ chức mới đây.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, tổng diện tích cà phê của cả nước vào khoảng 500.000 ha; trong vòng 10 năm (1996 - 2006), diện tích cà phê có tốc độ tăng bình quân là 24.000 ha/năm; tổng sản lượng cà phê cả nước đạt 850.000 - 900.000 tấn/năm, trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên đã chiếm tới 92%. Theo đánh giá, diện tích cây cà phê khu vực Tây Nguyên phát triển quá nhanh, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê những năm gần đây “được mùa, được giá” đã tác động đến người dân, khiến họ phá bỏ các loại cây ngắn ngày để chuyển sang trồng cà phê.

Tại tỉnh ĐakLak, chỉ từ 2005 đến nay, diện tích cà phê tăng từ 160.000 ha lên 175.000 ha. Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh tới năm 2010 mới định hình 170.000 ha cà phê. Lãnh đạo tỉnh ĐakLak thừa nhận, diện tích cây cà phê hiện nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát của địa phương. Nghiêm trọng hơn, một số nơi đã xảy ra tình trạng phá rừng trái phép lấy đất trồng cà phê. Trên địa bàn tỉnh, cây cà phê tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pách, Krông Ana. Tuy nhiên, hầu hết diện tích cà phê trồng mới đều ở những vùng tầng đất không thích hợp (đất xấu, thiếu nguồn nước...), không những không mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, sinh thái, đất đai thoái hoá, cạn kiệt nguồn nước, tiểu khí hậu bị thay đổi.

Theo ông Phan Quốc Sủng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh cây cà phê ở tỉnh ĐakLak, trước hết cần giảm diện tích cà phê, chỉ giữ lại quy mô diện tích hợp lý (quỹ đất cho cây cà phê dưới 170.000 ha) ở những địa bàn phù hợp. Để làm được điều này, tỉnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, như chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích cà phê không thích hợp sang những cây trồng khác phù hợp, mang lại hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường, xã hội; khắc phục sự bất hợp lý trong cơ cấu sản xuất (hiện tập trung quá nhiều vào cà phê vối, trong khi đó cà phê chè đang được ưa chuộng lại không được đầu tư phát triển).

Ông Sủng cho rằng, vấn đề quan trọng đối với phát triển cà phê là phải tôn trọng hệ sinh thái tổng hợp theo yêu cầu của cây cà phê, đặc biệt là phải trồng cây che phủ mặt đất để điều hoà ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, giảm tốc độ gió, hạn chế xói mòn... Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị công nghệ từ sân phơi, nhà kho, các cơ sở chế biến; xây dựng chính sách giá cả thu mua sản phẩm hợp lý, tránh để tình trạng người trồng bị thiệt thòi do thương lái ép giá, hoặc doanh nghiệp thu mua ồ ạt theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, bất kể chất lượng. Ngoài ra, để khẳng định “thương hiệu”, tỉnh cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê cần chú trọng hơn việc tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn ở thị trường quốc tế.

Các tham luận tại Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp về thâm canh và nâng cao chất lượng cà phê. Theo Cục trồng trọt, một giải pháp khá quan trọng là cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng cà phê song song với việc đổi mới khâu sản xuất. Để làm được điều này, việc đầu tiên là phải củng cố và phát triển mạng lưới kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế gắn liền với chương trình phát triển cà phê bền vững.