Kinh Đô cho ra đời sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình với 5 hương vị thuần Việt

Kinh Đô cho ra đời sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình với 5 hương vị thuần Việt

Hương vị mới của Kinh Đô

(ĐTCK) Sau một thời gian tuyên bố về chiến lược kinh doanh mới, Kinh Đô chính thức bước chân vào lĩnh vực các ngành hàng thiết yếu khi các sản phẩm mì ăn liền được lên kệ vào cuối tháng 11 này.

Chính thức tung hàng

Nhận thấy thị trường các sản phẩm thiết yếu còn nhiều tiềm năng, Kinh Đô đã quyết định tấn công lĩnh vực này, chính thức cho ra đời sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình mang thương hiệu Ki Do. Việc tung ra sản phẩm mới này nằm trong chiến lược gia nhập ngành hàng thiết yếu đã được Kinh Đô đề cập tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 vào cuối tháng 6 vừa qua.

Theo Kinh Đô, danh mục sản phẩm bánh kẹo hiện nay chỉ đến tay người tiêu dùng vào bữa sáng, ăn nhẹ/lúc uống trà và tráng miệng. Một phần lớn thời gian tiêu thụ bị bỏ qua, bao gồm các bữa ăn chính (ăn trưa và ăn tối). Với chiến lược đa dạng hóa, Kinh Đô sẽ mở rộng danh mục sản phẩm hướng đến phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong suốt cả ngày. Mì Đại Gia Đình là bước đi đầu tiên thực hiện chiến lược đa dạng hóa.

Mì Đại Gia Đình gồm một danh mục các sản phẩm mang tên “Tôm hải sản chua cay”, “Bò sa tế hành”, “Thịt bằm hành phi”, “Lẩu riêu cua”, “Lẩu canh chua cá”… với nhiều hương vị khác nhau. Kinh Đô lấy nhãn hiệu “Đại Gia Đình” vì muốn “mang đến những cảm xúc thân quen về bữa cơm gia đình, giúp người tiêu dùng thật sự trải nghiệm những hương vị đậm đà, tươi ngon trong món ăn truyền thống của người Việt”. Sản phẩm mì Đại Gia Đình được sản xuất từ các nguyên liệu được chọn lọc và nguồn dầu sử dụng từ nhà cung cấp uy tín hàng đầu Việt Nam, tất cả nguyên vật liệu được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất.

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ trong thời gian đầu ra mắt, Kinh Đô triển khai chương trình khuyến mãi cào trúng thưởng từ nay đến tháng 2/2015, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4,5 tỷ đồng. Trong đó, 1 giải nhất có giá trị 1 tỷ đồng tiền mặt. Kinh Đô cho biết, các sản phẩm mì này sẽ được bán tại tất cả các cửa hàng và kênh phân phối của Công ty, hệ thống siêu thị... 

Còn nhiều dư địa

Thị trường các sản phẩm mì ăn liền hiện đã có khá nhiều tên tuổi lớn. Vài năm gần đây, thị trường liên tiếp chứng kiến sự gia nhập mới, chẳng hạn vào tháng 3/2011, một công ty Nhật đầu tư khoảng 41 triệu USD xây nhà máy sản xuất mì gói với quy mô lớn. Nhiều siêu thị không chỉ đơn thuần là kênh phân phối sản phẩm cho các nhà sản xuất, mà còn khai thác lĩnh vực này với các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình.

Hương vị mới của Kinh Đô ảnh 1

Điều đó cho thấy tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn. Số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) được cập nhật đến tháng 5/2014 cho biết, Việt Nam là thị trường tiêu thụ mì gói lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Indonesia và Nhật Bản, với tổng lượng tiêu thụ năm 2013 lên đến 5,2 tỷ gói.

Theo thống kê, số lượng tiêu thụ mì gói tại Việt Nam liên tục tăng trưởng: năm 2009 là 4,3 tỷ gói, năm 2010 là 4,82 tỷ gói, năm 2011 là 4,9 tỷ gói, năm 2012 là 5,06 tỷ gói. Như vậy, quy mô thị trường năm 2013 đã tăng 21% so với năm 2009.

Số liệu khác do một doanh nghiệp trong ngành cung cấp cho biết, quy mô thị trường mì gói Việt Nam năm 2013 vào khoảng 20.185 tỷ đồng. Với dân số trẻ và triển vọng tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, quy mô thị trường mì gói được kỳ vọng sẽ ngày càng lớn.

Mì Đại Gia Đình là sản phẩm được ra đời từ sự hợp tác giữa Kinh Đô và Công ty TNHH Sài Gòn Vewong. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng giám đốc Kinh Đô nói: “Vewong có thể sản xuất ra những sản phẩm mì ngon. Làm ra gói mì không khó, nhưng làm gói mì ngon không dễ. Ngon mà giá cạnh tranh lại là một thách thức”.

Theo Kinh Đô, Saigon Vewong là công ty có dây chuyền sản xuất hiện đại hàng đầu Việt Nam hiện nay. Việc hai bên hợp tác sẽ phát huy thế mạnh về phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất của Saigon Vewong và khả năng phát triển ngành hàng, phân phối và quảng bá của Kinh Đô. Saigon Vewong là đối tác có vai trò chính trong việc giúp Công ty tiến vào các ngành hàng thiết yếu với mì ăn liền, gia vị, nước chấm.

Kinh Đô nhắm đến cả 3 phân khúc là phổ thông, cao cấp và siêu cao cấp (mì ly, mì tô), với các sản phẩm có mức giá 3.500 đồng, 6.000 đồng và 10.000 đồng/gói. Ba phân khúc mì này hiện đang chiếm 75% thị phần trên thị trường.

Theo ông Luân, doanh số sản phẩm mì gói dự kiến sẽ tương đương với doanh số mảng bánh kẹo hiện tại của Kinh Đô. Tuy nhiên, ông nói: “Chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn đối với ngành có sự cạnh tranh cao như mì gói”.

Các lãnh đạo Kinh Đô đều cho biết, chiến lược mở rộng sang các sản phẩm mới có tính thiết yếu đối với người tiêu dùng, trong đó có mì gói, đòi hỏi phải có vốn lớn và những thương vụ chào bán cổ phần gần đây không ngoài mục đích huy động vốn, tập trung nguồn lực cho chiến lược này.

Mì ăn liền Đại Gia Đình sẽ tiếp nối thành công mà thương hiệu Ki Do đã đạt được trong thời gian qua. Ki Do là công ty thành viên của Tập đoàn Kinh Đô, công ty này đã đưa Merino & Celano trở thành 2 nhãn hiệu kem được người tiêu dùng ưu chuộng hàng đầu tại Việt Nam. Với sản phẩm mì Đại Gia Đình, Ki Do sẽ tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng nhiều hương vị hạnh phúc mỗi ngày.

Tin bài liên quan