Ông Phạm Linh.

Ông Phạm Linh.

IPO Sabeco, cơ hội với nhà đầu tư bản lĩnh

(ĐTCK-online) Ngày 28/1, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bán đấu giá 20% cổ phần tại Sở GDCK TP. HCM. Với thị trường dân số trẻ, văn hóa ẩm thực phong phú, cổ phiếu bia được đánh giá nhiều tiềm năng với giới đầu tư. Ngày 14/1, buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Sabeco được tổ chức tại Dinh Độc lập (TP. HCM). Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế (VIS) - đơn vị tư vấn cho Sabeco đã chia sẻ với ĐTCK những góc nhìn về doanh nghiệp này.

Sabeco sẽ tiến hành IPO (CPH) và chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần trong quý I/2008, vậy phương án IPO sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Cơ quan chức năng đã chính thức phê duyệt việc tiến hành IPO Sabeco vào ngày 28/1/2008. Theo đó, Sabeco sẽ bán 20% cổ phần ra bên ngoài, còn lại 0,39% cổ phần bán ưu đãi cho nhân viên và 79,61% cổ phần sẽ vẫn do Nhà nước nắm giữ. Theo tài liệu định giá do các cấp thẩm quyền phê duyệt, tổng tài sản của Sabeco khi thực hiện IPO gần 8.618 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế của phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 6.412 tỷ đồng. Hiện nay, Sở GDCK TP. HCM, Sabeco và đơn vị tư vấn là CTCK Quốc tế đã hoàn tất các thủ tục cho đợt IPO của Sabeco.

Trong đợt đấu giá này, các nhà đầu tư tham gia với số lượng đăng ký mua tối thiểu, tối đa như sau: tối thiểu là 100 cổ phần; tối đa đối với cá nhân và tổ chức trong nước, ngoài nước là 500.000 cổ phần; số cổ phần đăng ký mua phải là bội số của 100; tổng khối lượng nhà đầu tư nước ngoài được phép mua bằng số cổ phần chào bán.

 

Theo ông, đâu là thế mạnh lớn nhất hiện nay của Sabeco và sau khi thực hiện CPH?

Sabeco là doanh nghiệp lớn dẫn đầu trong ngành sản xuất và phân phối bia tại Việt Nam, với thị phần hơn 35% và là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Sau khi CPH, Sabeco dự định hoạt động theo mô hình tập đoàn đồ uống hàng đầu của Việt Nam cùng với kế hoạch mở rộng hoạt động sang các nước khác trên thế giới. Sabeco với tiềm lực mạnh về tài chính đã và đang có hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như bất động sản, đầu tư tài chính…

Trong năm nay, mục tiêu doanh thu của Sabeco đạt gần 10.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2010 đạt doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng. Các mục tiêu này Sabeco dự kiến một cách khá thận trọng, vì vậy chưa phản ánh hết các tiềm năng của Tổng công ty sau khi CPH, với sự linh hoạt hơn trong kinh doanh cũng như có sự tham gia của các cổ đông chiến lược lớn nhằm khai thác hết các lợi thế của Sabeco.

 

IPO của Sabeco diễn ra trong bối cảnh TTCK đang suy giảm, ông nhìn nhận như thế nào về tác động của nó tới thị trường?

Trên thực tế, sở hữu cổ phần trong Sabeco đối với nhiều nhà đầu tư là cơ hội rất tốt không thể bỏ qua, đặc biệt là đối với nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược. Xét về mặt thương hiệu, Sabeco là thương hiệu mạnh nhất của ngành rượu bia và nước giải khát.  Sản lượng bia cung cấp ra thị trường của Sabeco tăng qua hàng năm, năm 2006 là 534 triệu lít và dự kiến năm 2007 là 640 triệu lít. Hiện nay, các nhà máy của Sabeco đang hoạt động hết công suất mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, Sabeco đang phải xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất bia toàn quốc, với mục tiêu đến năm 2010 tổng công suất thiết kế của Tổng công ty sẽ đạt 1,1 tỷ lít/năm.

Sự kiện IPO của Sabeco sẽ mang lại cho TTCK Việt Nam thêm một loại cổ phiếu tốt và trong tương lai sẽ giúp cho TTCK Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Là đơn vị tư vấn, các ông nhìn nhận sự quan tâm của nhà ĐTNN với cổ phiếu bia như thế nào?

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với 85% dân số trong độ tuổi dưới 40. Đây là một thị trường lớn và đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ các sản phẩm bia. Theo số liệu thống kê, dân số Việt Nam từ 20 đến 49 tuổi tiêu thụ khoảng 64% các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát. Đây là cơ sở để khẳng định tiềm năng phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam còn rất lớn. Chắc chắn, nhà ĐTNN sẽ rất quan tâm đối với sự kiện IPO Sabeco cũng như khả năng tham gia với tư cách là cổ đông chiến lược của Sabeco.

 

Sabeco thành lập các công ty con như công ty quản lý quỹ, CTCK... Việc góp vốn thành lập các công ty con có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN sau khi CPH?

Việc tham gia góp vốn này nhằm đa dạng hóa ngành nghề của Sabeco sang các lĩnh vực tiềm năng khác như đã nêu ở trên, tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, Sabeco vẫn giữ vững và duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ trong ngành rượu, bia và nước giải khát. Tính đến thời điểm CPH, Sabeco có góp vốn tham gia vào công ty quản lý quỹ, CTCK nhưng chỉ ở góc độ là công ty liên kết (< 20% vốn điều lệ).