Trong trường hợp chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn liên doanh, quy định thuế và thông lệ kế toán khác nhau là chuyện bình thường.

Trong trường hợp chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn liên doanh, quy định thuế và thông lệ kế toán khác nhau là chuyện bình thường.

Khác nhau là chuyện bình thường

(ĐTCK-online) Báo ĐTCK ngày 9/10 có đăng bài viết về các thông lệ kế toán đối với chênh lệnh từ định giá lại tài sản góp vốn liên doanh, trong đó nêu ra 2 phương pháp là: (i) hạch toán theo giá gốc rồi sau này hợp nhất với báo cáo tài chính của liên doanh; (ii) định giá ghi tăng vào quỹ định giá lại tài sản thuộc vốn chủ sở hữu của DN. Việc ghi lợi nhuận là không phù hợp với thông lệ kế toán.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8/10 trích ý kiến trả lời của ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và ý kiến của bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte về vấn đề này. Theo đó, cả hai ý kiến đều cho rằng, theo kế toán thì phần chênh lệch định giá lại tài sản này được hạnh toán ghi tăng vốn chủ sở hữu của DN, cách này chính là phương pháp thứ 2 mà tác giả Ngọc Vũ nêu ra trong Báo ĐTCK số ra ngày 9/10. Do đó, về mặt kế toán là khá rõ. Vậy quy định thuế thì sao? Theo Thông tư số 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì DN được phép ghi nhận khoản chênh lệch này thành lợi nhuận khác và sẽ nộp thuế theo tỷ lệ phân bổ nào đó.

Nhiều người băn khoăn, như vậy chế độ kế toán một kiểu, thuế một kiểu, NĐT nên hiểu vấn đề này như thế nào? Xin cung cấp thêm một số thông tin để các NĐT có cái nhìn đúng về vấn đề này.

Trên thế giới và ở Việt Nam, các quy định về thuế và kế toán không nhất thiết phải giống nhau, vì chúng phục vụ 2 mục đích khác nhau. Quy định thuế phục vụ mục đích tính, quản lý và thu thuế; còn các thông lệ và chuẩn mực kế toán nhằm mục đích để báo cáo tài chính, phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của DN. Thuế có thể áp dụng và chấp nhận các thông lệ kế toán, nhưng không nhất thiết phải là toàn bộ các thông lệ kế toán. Ví dụ: DN có thể áp dụng khấu hao nhanh hay khấu hao dựa trên mức độ sử dụng tài sản cố định, nhưng cơ quan thuế thì có thể chỉ chấp nhận khấu hao đường thẳng cho dễ quản lý, như vậy phát sinh chênh lệch. Trong một số trường hợp, thuế tính theo phương pháp tiền mặt (cash basis) còn kế toán tính theo phương pháp dự thu dự chi (accrual basis), do đó cũng phát sinh chênh lệch. Các chênh lệch này là lý do vì sao có thuế hoàn lại (deffered taxation) theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 17 "Thuế thu nhập doanh nghiệp" (VAS17). Sự khác nhau giữa thuế và kế toán đã được Bộ Tài chính ghi nhận thông qua việc ban hành chuẩn mực kế toán này vào năm 2005.

Trong trường hợp chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn liên doanh, quy định thuế và thông lệ kế toán khác nhau cũng là chuyện rất bình thường. Sự khác nhau này có thể dẫn đến thuế hoàn lại mà DN phải tính để hạch toán. Vì các chuẩn mực và thông lệ kế toán đảm bảo sự trung thực và hợp lý của tình hình tài chính, nên báo cáo tài chính sẽ phải thể hiện theo tinh thần này. Như vậy, lợi nhuận hay EPS hay giá trị sổ sách của DN mà NĐT xem xét cho việc định giá cổ phiếu cũng phải theo cách này, nghĩa là không có việc ghi lợi nhuận từ khoản chênh lệch này. Còn việc cơ quan thuế có áp dụng hình thức khác thì nó sẽ thể hiện ở số thuế phải nộp và thuế hoàn lại. NĐT cũng nên quen dần với sự khác nhau giữa thuế và kế toán để có cái nhìn đúng hơn về bức tranh tài chính DN.