Khẳng định niềm tin vào Việt Nam

Khẳng định niềm tin vào Việt Nam

(ĐTCK-online) Thị trường Việt Nam nói chung là hấp dẫn. Đó là nhận định của ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital khi trao đổi với phóng viên Báo ĐTCK sau sự kiện NĐT bỏ phiếu với tỷ lệ đồng thuận cao để Quỹ VEIL tiếp tục hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

>> Hơn 83% cổ đông của VEIL ủng hộ tiếp tục ở lại Việt Nam

>> Dòng vốn ngoại vẫn chờ cơ hội tại Việt Nam

Thưa ông, vì sao thị giá chứng chỉ quỹ thấp hơn trên 20% so với giá trị tài sản ròng (NAV) là tình trạng chung của các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhưng chỉ VEIL bị quỹ đầu cơ tấn công, gây sức ép đóng quỹ?

Việc bỏ phiếu đóng Quỹ VEIL hay không tại đại hội NĐT lần này không hẳn là do quỹ đầu cơ khởi xướng. VEIL là quỹ lớn nhất của Dragon Capital, đã 15 năm tuổi. Nguồn vốn của các quỹ không phải là vô hạn, mà là đầu tư trong thời gian nhất định. Cách đây 3 - 4 năm, Quỹ đã  quyết định tạo điều kiện cho NĐT có thể thu hồi vốn khi đến kỳ theo phương thức dễ dự báo nhất, nên đặt vấn đề với NĐT 2 năm sẽ hỏi ý kiến một lần. Đúng vào dịp đại hội NĐT năm nay, vấn đề đóng quỹ hay không được đem ra xin ý kiến, nên quỹ đầu cơ chọn “tấn công” vào thời điểm này là dễ dàng nhất. Còn bình thường, nếu muốn tấn công một quỹ, nhà đầu cơ phải sở hữu tỷ lệ chứng chỉ quỹ nhất định, đủ để triệu tập đại hội bất thường.

Quỹ đầu cơ VR mới chỉ tham gia vào Quỹ VEIL từ quý IV năm ngoái. Ngay sau khi tham gia thì họ đặt vấn đề đóng quỹ và làm lớn chuyện. Nhưng tại VEIL, họ không phải là NĐT lớn.

Quỹ VEIL và VGE vừa qua đã trở thành mục tiêu trong tầm ngắm của VR Capital - một công ty có trụ sở tại Moscow, đã ủng hộ cho mục tiêu thanh lý quỹ. Với tỷ lệ phủ quyết thanh lý là 83,24% từ cổ đông của VEIL và 89,22% từ cổ đông VGF cho thấy, đa số cổ đông 2 quỹ này vẫn quyết định đầu tư vào Việt Nam. 

 

Dù sao thì việc VR làm lớn chuyện cũng khiến ông phải vất vả. Ngoài những lý do chung nền kinh tế Việt Nam còn tiềm năng thì ông đưa ra cam kết cụ thể gì để thuyết phục NĐT nói không với việc đóng Quỹ VEIL ở thời điểm này?

Mỗi lần đại hội đều đòi hỏi chúng tôi phải có gì để "chào mời" NĐT, cam kết đem lại giá trị gia tăng cho họ. Các quỹ thời gian trước chủ yếu là huy động vốn. Nay do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, khả năng cung cấp vốn chịu rủi ro rất thấp. Do đó, NĐT đặt vấn đề phải cạnh tranh để giữ lại nguồn vốn đã huy động. Cụ thể, chúng tôi phải cam kết rõ hơn về chiến lược, "sạch" hơn về danh mục, độc lập hơn về quản trị, gắn bó hơn với quyền lợi của NĐT như có cam kết theo dõi và quản lý mức độ chiết khấu của giá chứng chỉ quỹ (để tỷ lệ thấp hơn của thị giá so với NAV không quá lớn - PV).

 

Sau sự kiện VEIL, theo ông, đâu là lý do khiến các quỹ nước ngoài ở Việt Nam phải chịu tỷ lệ chiết khấu cao hơn so với các quỹ đầu tư vào các nước khác trong khu vực?

Qua khủng hoảng kinh tế, vấn đề thanh khoản đối với NĐT là quan trọng nhất. Đó là lý do vì sao NĐT sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, với lãi suất chỉ 2,8%/năm. Là vì thanh khoản, bất kể thời điểm nào họ cũng có thể bán trái phiếu lấy tiền. Thị trường Việt Nam không được nhiều điểm về thanh khoản. Nhiều NĐT không biết rõ giá trị khoản đầu tư là bao nhiêu, không biết rút vốn như thế nào…? Một trong những nội dung mà chúng tôi chuẩn bị để thuyết phục NĐT là tập trung giải quyết lo ngại về thanh khoản của quỹ.

Thị trường Việt Nam nói chung là hấp dẫn, nhưng NĐT nước ngoài đánh giá thị trường với tỷ lệ chiết khấu cao là do kém thanh khoản. Nếu không cải thiện được vấn đề này, Việt Nam khó thu hút được vốn mới.

 

Vấn đề thanh khoản có thể cải thiện như thế nào, theo ông?

Khi thanh khoản thấp, đấy là lý do để chiết khấu. Khi muốn chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng ngân hàng lại thế này thế kia hoặc ngân hàng thiếu tiền thì phải chờ, NĐT phải bán trước với giá thấp, lại là chiết khấu. Đây là vấn đề của thị trường mới nổi. Vì nếu tự do hóa, tăng thanh khoản thì ảnh hưởng đến chính sách ngoại hối. Nếu Việt Nam dễ dàng hơn để NĐT ở nước ngoài có thể mua cổ phiếu tại thị trường Việt Nam thì có thể chịu rủi ro rút vốn ồ ạt. Từ sự kiện của VEIL, có lẽ cần nghiên cứu xem Việt Nam thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài như thế nào cho phù hợp, cần khuyến khích loại gì, không khuyến khích loại gì.

 

Vậy tình trạng chiết khấu cao sẽ tiếp tục đối với các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và việc NĐT "kền kền" tấn công một quỹ nào đó có thể lại xảy ra?

Việc này là rất có khả năng. Quỹ đầu cơ tấn công VEIL đã học hỏi từ vụ tấn công Quỹ Indochina trước đây. Tại VEIL, quỹ này đã thất bại, nhưng còn những NĐT khác có ý định đó, dù họ có phải mất công hơn, khi mà tỷ lệ chiết khấu của các quỹ vẫn cao.