Nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang chật vật với vấn đề thanh khoản

Nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang chật vật với vấn đề thanh khoản

Khó cho vay, ngân hàng vẫn tăng huy động

(ĐTCK) Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động cho vay của các ngân hàng rất trầm lắng. Song không vì thế mà các ngân hàng ít huy động đi, ngược lại còn đẩy mạnh thu hút tiền gửi.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 17/1/2012 giảm 0,79% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,21%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,93%.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, các ngân hàng nhỏ chỉ dành nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp ở các lĩnh vực trọng điểm: sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu.

Mặc dù nằm trong nhóm 2 và được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, nhưng lãnh đạo DongA Bank và OCB đều cho hay, sẽ không mạnh tay đẩy vốn cho vay. Ngược lại, các nhà băng này sẽ chọn lọc khách hàng kỹ hơn, đồng thời kiểm soát sát sao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu.

Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của ACB, ông Bùi Tấn Tài cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng (cả doanh nghiệp và cá nhân) luôn có, nhưng do lãi suất còn cao nên dư nợ cho vay của Ngân hàng từ đầu năm đến nay giảm.

Còn theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, sau Tết, tín dụng thường tăng trưởng chậm, nên trong hơn 1 tháng nay, dư nợ cho vay của Ngân hàng cũng chậm hơn trước.

Cho vay tăng chậm, thậm chí giảm như vậy, song nhiều ngân hàng vẫn phải đôn đáo huy động tiền gửi để bảo đảm thanh khoản.

Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ tại TP. HCM chia sẻ, huy động vốn vẫn là bài toán đau đầu do cạnh tranh ngày một khốc liệt. Ngân hàng ông phải lo đảm bảo thanh khoản trước đã, sau mới tính đến việc phát triển tín dụng, dù chỉ tiêu dư nợ nhận được chỉ 8%.

“Quy mô ngân hàng chúng tôi là vừa và nhỏ, vốn đã rất khó trong huy động tiết kiệm khi trần lãi suất cào bằng 14%/năm, thì nay lại thêm tác động của việc phân nhóm ngân hàng đến tâm lý khách gửi tiền”, vị lãnh đạo trên nói và cho biết, hiện có nhiều khách hàng trước khi gửi tiết kiệm đã đặt câu hỏi với nhân viên giao dịch: “ngân hàng anh/chị thuộc nhóm mấy?”.

Hàng loạt chương trình khuyến mãi để hút khách gửi tiền liên tục được các ngân hàng tung ra, với giá trị đến hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như SCB triển khai chương trình “Ưu đãi dành cho khách hàng bán USD/vàng gửi tiền VND”. Theo đó, khách hàng có nhu cầu bán USD để gửi tiền VND có kỳ hạn sẽ được SCB áp dụng giá mua cao hơn giá niêm yết tại thời điểm thực hiện giao dịch từ 0,1% đến 0,3%. Còn nếu khách hàng bán vàng SJC để gửi tiền VND có kỳ hạn, SCB sẽ mua vàng với giá cao hơn giá niêm yết tại thời điểm thực hiện giao dịch từ 100.000 - 300.000 đồng/lượng.

Ngoài các hình thức khuyến mại như kể trên, một số ngân hàng còn đánh liều vượt trần lãi suất huy động, nhất là với các món tiền gửi giá trị cao.

Theo số liệu của NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến 17/1/2012 giảm 3,29% so với cuối năm 2011. Thông tin này phần nào phản ánh áp lực cạnh tranh trong huy động tiền gửi là không nhỏ và chưa giảm, thậm chí được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi trần lãi suất hạ xuống như tuyên bố của NHNN.

Hiện tại, các ngân hàng đang tranh thủ huy động để tránh tình huống khó khăn sắp tới. Thực tế, nhiều ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất như ACB, Eximbank…, nhưng chỉ giảm ít một. Lãnh đạo ACB cho biết, vốn khả dụng đang dư thừa, nhưng Ngân hàng vẫn không thể cắt giảm nhiều đối với lãi suất tiết kiệm, vì nếu giảm sẽ rất khó giữ chân khách hàng.

Các ngân hàng nhỏ có lẽ sẽ là những ngân hàng chủ động lùi thời gian hạ lãi suất của mình lại càng lâu càng tốt, bao gồm cả lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra, nhằm đảm bảo thanh khoản.