Khoảng trống và khoảng cấm

Khoảng trống và khoảng cấm

(ĐTCK-online) Giới lãnh đạo công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những đại diện pháp lý cho các công ty này, tới đây sẽ có được những giây phút thoải mái hơn khi hướng dẫn bổ sung liên quan về người quản lý doanh nghiệp (DN) đã giải toả những căng thẳng suốt trong thời gian qua về trường hợp giám đốc người nước ngoài là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Theo những đề xuất bổ sung thì thay vì quy định của Khoản 5 Điều 67 Luật Doanh nghiệp về điều kiện thường trú tại Việt Nam của người đại diện theo pháp luật của công ty đối với cá nhân người nước ngoài, điều kiện sẽ được điều chỉnh là phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật và phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ.

Tưởng chừng chỉ có một sự thay đổi rất nhỏ từ “thường trú” sang “tạm trú”, song kết quả đạt được lại vô cùng lớn. Trao đổi với ĐTCK-online, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng luật Quang và Cộng sự, cho rằng, những rắc rối do quy định không thực tế khiến các thân chủ của Công ty gặp vô vàn khó khăn. Đã có những đề nghị rằng, người đại diện theo pháp luật cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên uỷ quyền cho người Việt Nam để tránh rắc rối. “Với DN vừa và nhỏ, cách làm này dễ được chấp nhận, song với những tập đoàn lớn, khi mà các vị trí đều được tính toán và cân nhắc từ phía công ty mẹ, thì việc phải giải thích để cho họ hiểu tại sao lại phải lách luật là điều vô cùng khó khăn. Và phần lớn công ty này từ chối cách làm không rõ ràng như vậy”, ông Quang cho biết.

Song điều kiện “thường trú” tại Việt Nam dường như là bất khả thi với đa phần nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định của Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì những trường hợp được xem xét, giải quyết cho thường trú lại rất giới hạn. Cụ thể, đó phải là người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân chủ hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại; hoặc đó là người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.

Rõ ràng, với những quy định như vậy thì cho tới thời điểm này, nút thắt trong việc xác định người đại diện theo pháp luật của không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang là cản trở lớn trong việc thành lập DN của nhà đầu tư nước ngoài. Những căng thẳng do phải tìm cách lách luật của chính các DN và nhà đầu tư có lẽ cũng khiến cho những đồng cảm về sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam khó giữ được nguyên vẹn. Vướng mắc bởi một từ ngữ song đem lại những dấu ấn ban đầu không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, mọi việc sẽ thay đổi khi dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp được thông qua trong thời gian tới đây.

Trong những điều được bổ sung với đối tượng người nước ngoài là đại diện theo pháp luật của DN, dự thảo Nghị định cũng đã làm rõ thêm trong trường hợp xuất cảnh khỏi Việt Nam trong thời hạn quá 30 ngày liên tiếp, người này phải uỷ quyền bằng văn bản cho người theo quy định tại điều lệ công ty để người đó thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của DN, đồng thời DN phải gửi văn bản uỷ quyền đó đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước tương ứng nơi DN đăng ký trụ sở chính biết, ít nhất 1 ngày trước khi xuất cảnh.

Cũng trong những điều được bổ sung, điều kiện để làm giám đốc, tổng giám đốc DN với loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên cũng được làm rõ hơn, chấm dứt những thắc mắc không đáng có. Như vậy, tới đây, ngoài các cá nhân sở hữu ít nhất 5% (đối với công ty cổ phần), hoặc 10% (đối với công ty TNHH), thì những người khác có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh, trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty có thể không nắm giữ hoặc nắm giữ  ít hơn 5% số cổ phần phổ thông cũng là đối tượng để trở thành giám đốc, tổng giám đốc của DN. Quy định bổ sung này cũng giải toả cho hàng loạt thắc mắc về việc cá nhân giữ dưới 5% số cổ phần phổ thông có trình độ chuyên môn có được làm giám đốc/tổng giám đốc hay không.

Đặc biệt, đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm hơn 50% vốn điều lệ, thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện chung, những đối tượng không được giữ vị trí giám đốc là chồng, cha, cha nuôi, mẹ nuôi, con, con nuôi và anh, chị, em ruột của người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ. Đây cũng là điều kiện cấm đối với các cá nhân ở vị trí giám đốc, tổng giám đốc của công ty TNHH một thành viên có chủ sở hữu công ty là cơ quan nhà nước hoặc DN có hơn 50% sở hữu nhà nước.

Như vậy, không chỉ lấp đây những khoảng trống pháp lý, những khoảng cấm dành cho DN có vốn nhà nước cũng sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Sự minh bạch cần bắt đầu ngay từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất.