Hy vọng TTCK sẽ chứng kiến một chu kỳ hồi phục vào đầu quý II tới (Ảnh: Hoài Nam)

Hy vọng TTCK sẽ chứng kiến một chu kỳ hồi phục vào đầu quý II tới (Ảnh: Hoài Nam)

Khởi đầu nan...

(ĐTCK-online) Nếu trong giai đoạn hiện tại, VN-Index vẫn giữ được mốc tâm lý 500 điểm thì khi 2 yếu tố lạm phát và lãi suất bình ổn trở lại, TTCK sẽ chứng kiến một chu kỳ hồi phục.

Những ý kiến cho rằng, sau quyết định tăng tỷ giá vừa qua, dòng vốn gián tiếp sẽ đổ mạnh vào Việt Nam có thể đã quá lạc quan. Bởi điều này có diễn ra thì cũng không phải ngay lập tức. Nếu chưa giải ngân, việc chờ đợi diễn biến của thị trường ngoại hối sau quyết định này đang là cách phản ứng của nhiều NĐT.

Tất nhiên, giải pháp nào cũng có tính hai mặt. Động thái khá mạnh tay vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước có thể khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, đưa tỷ giá về đúng tương quan cung - cầu thực tế... Tuy nhiên, ảnh hưởng của quyết định này lên TTCK là không hoàn toàn tích cực.

Với việc các quỹ đang hiện diện tại Việt Nam phải đổi USD ra tiền đồng để mua bán chứng khoán bị thiệt hại bởi sự điều chỉnh tỷ giá bất ngờ và khá lớn này, liệu dòng vốn ngoại (nếu có) đang ngấp nghé ngoài cửa có mạnh dạn chọn điểm đỗ là TTCK Việt Nam? Trên thực tế, liền trước và sau quyết định điều chỉnh tỷ giá, các NĐT ngoại đã có ngay 4 phiên bán ròng trên sàn HOSE. Thông điệp lạc quan nhất của động thái này là họ cũng đang thăm dò những chuyển biến tỷ giá sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước  ngày 11/2. Nếu tỷ giá ổn định thì dòng vốn cũ sẽ an tâm ở lại và dòng vốn mới sẽ chảy thêm vào. Lại thêm một chữ "Nếu" mà thị trường phải chờ đợi!

Có một điểm mà lâu nay chúng ta vẫn cho là lợi thế, đó là do cả năm 2010, TTCK Việt Nam trồi sụt nên các chỉ số có mức P/E tương đối rẻ so với các thị trường trong khu vực. Nhưng kỳ vọng vào một mức giá rẻ để thu hút các NĐT ngoại có lẽ chưa đủ. Nhất là trong thời gian tới, các mặt hàng cơ bản đầu vào nhấp nhổm đòi tăng giá, khiến hoạt động của DN khó khăn hơn.

Được biết, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ các phương án tăng giá điện. Theo đó, các mức tăng dự kiến từ 18 - 30%. Mức tăng cuối cùng là bao nhiêu sẽ do Chính phủ quyết định vào thời điểm 1/3 tới.

Với việc điều chỉnh tỷ giá, theo lãnh đạo một DN đầu mối, mỗi lít xăng đã bị lỗ thêm gần 900 đồng. Như vậy, ngành xăng dầu đang có thêm lý do nặng ký để bổ sung vào hồ sơ xin tăng giá vẫn thường trực trên bàn các cơ quan quản lý thị trường thời gian qua.

Việc tăng giá các mặt hàng cơ bản nếu diễn ra quá gần nhau sẽ kéo theo một loạt mặt hàng "té nước theo mưa", khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát rất khó thực hiện.

Một vấn đề nữa ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN, qua đó tác động tiêu cực đến tâm lý của các NĐT là tình hình lãi suất huy động, lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Có lẽ bên cạnh các biện pháp hành chính như khống chế mức trần huy động và cho vay, có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính đến giải pháp "bơm vốn" giá rẻ cho các ngân hàng thực sự cần vốn. Thay vì chỉ bơm vốn cho các ngân hàng lớn có một lượng giấy tờ có giá dồi dào, để sau đó các đơn vị này bán lại vốn với lãi suất cao hơn nhiều cho các ngân hàng khác. Chỉ như vậy, cuộc đua lãi suất hiện nay mới có cơ dừng lại.  

"Đỉnh lạm phát sẽ là đáy chứng khoán". Tháng 2 này là tháng có Tết Nguyên đán, dự báo CPI sẽ khó có thể thấp hơn tháng 1. Vậy nên, để Index tăng trưởng bền vững, có thể phải chờ đợi sau thời điểm CPI tháng này được công bố.

Với những áp lực từ các yếu tố vĩ mô, có thể nói TTCK khởi đầu năm Tân Mão trong bối cảnh khá khó khăn. Tuy vậy, nếu đánh giá tình hình hiện nay và xu hướng TTCK sắp tới thì không phải là không có cơ hội đầu tư, nhất là trong trung và dài hạn khi tin xấu đã phản ánh khá nhiều vào giá cổ phiếu. Nếu trong giai đoạn hiện tại, VN-Index vẫn giữ được mốc tâm lý 500 điểm thì khi 2 yếu tố lạm phát và lãi suất bình ổn trở lại, TTCK sẽ chứng kiến một chu kỳ hồi phục. Hy vọng khả năng này sẽ đến vào đầu quý II tới.