Khối ngoại đang đẩy mạnh rút ròng khỏi các thị trường chứng khoán châu Á

Khối ngoại đang đẩy mạnh rút ròng khỏi các thị trường chứng khoán châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quỹ đầu tư toàn cầu đang bán tháo cổ phiếu thị trường mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc) khi khẩu vị rủi ro ngày càng giảm đi trong bối cảnh lo ngại về đồng đô la mạnh hơn, chi phí vay cao hơn và căng thẳng địa chính trị.

Theo dữ liệu mới nhất do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 11 tỷ USD cổ phiếu trong tháng 10, nâng đợt bán tháo kéo dài 3 tháng lên khoảng 27 tỷ USD tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc). Đó là đợt bán tháo dài nhất kể từ tháng 6/2022 khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách kiểm soát Covid nghiêm ngặt tại các thành phố lớn của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Sự không chắc chắn về đường đi của lãi suất Mỹ và tác động tiềm tàng của xung đột Israel-Hamas đối với giá dầu đã đè nặng lên khu vực, nơi hầu hết các nước là nhà nhập khẩu dầu. Đồng đô la mạnh hơn cũng đang gây áp lực lên các đồng nội tệ khi lãi suất trái phiếu Kho bạc của Mỹ đang dao động gần 5%, khiến cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi các thị trường mới nổi châu Á

Các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi các thị trường mới nổi châu Á

Luca Castoldi, nhà quản lý quỹ phòng hộ tại Reyl Group cho biết: “Chúng tôi vẫn đang giữ quan điểm thận trọng vì chúng tôi cho rằng ước tính thu nhập cho năm 2024 là quá cao ở châu Á”. Ông cho biết thêm rằng, tăng trưởng của Mỹ sẽ không mạnh vào năm 2024 và tác động của lãi suất cao hơn đang được cảm nhận rõ ràng ở các lĩnh vực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 4 tỷ USD cổ phiếu thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 10, đồng thời bán ròng hơn 2 tỷ USD từ thị trường Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn cách 58 tỷ nhân dân tệ (8 tỷ USD) để biến năm 2023 thành năm đầu tiên họ bán ròng cổ phiếu Trung Quốc kể từ khi liên kết thương mại giữa thành phố Thâm Quyến và Hồng Kông được ra mắt vào năm 2016, khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn.

Dữ liệu công bố hôm thứ Ba (31/10) cho thấy hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã giảm trở lại vào tháng 10. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định chính sách của Fed và kế hoạch vay mới của Bộ Tài chính Mỹ vào cuối tuần này.

Tin bài liên quan