“Không còn nghi ngờ mà đang hy vọng”

“Không còn nghi ngờ mà đang hy vọng”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong bài viết riêng cho ĐTCK nhân dịp đầu năm mới 2012.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không loại trừ Việt Nam khỏi tầm ảnh hưởng. Hiện tại, khủng hoảng này chưa có những dấu hiệu kết thúc rõ ràng. Theo dự báo của chúng tôi, năm 2012 sẽ là một năm khó khăn đối với Việt Nam . ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 xuống còn 6,3% từ mức 6,5% của dự báo tháng 9/2011.

Ngoài các yếu tố từ bên ngoài, các vấn đề chính trong nội tại nền kinh tế cũng sẽ có tác động trực tiếp đến hiệu quả, chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam . Các vấn đề nằm trong khu vực tài chính - ngân hàng; đầu tư công; doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cơ sở hạ tầng.

Đối với khu vực tài chính - ngân hàng, thách thức lớn nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ và các điều kiện tín dụng và rủi ro mang tính cơ cấu. Trước hết, phải thấy rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ là điều phải thực hiện để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, thắt chặt tiền tệ cũng đồng nghĩa với việc thắt chặt tín dụng đối với các ngân hàng và các doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, NHNN phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đảm bảo tăng trưởng. Rủi ro mang tính cơ cấu chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong suốt một thời gian dài đã làm suy giảm chất lượng danh mục đầu tư của các ngân hàng, trong khi vấn đề an toàn vốn đang tiếp tục nổi cộm đối với nhiều ngân hàng.

Trong lĩnh vực đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án thường bị chậm, kéo dài làm chậm tiến độ đưa vào khai thác, sử dụng, vì vậy kém hiệu quả. Mặt khác, kéo dài thời gian thực hiện cũng làm tăng các chi phí phát sinh khác do giá cả các nguyên vật liệu đều tăng lên.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng khuyến nghị Chính phủ ưu tiên các công trình đảm bảo phúc lợi xã hội của người dân. Cần tập trung đầu tư và sớm đưa vào khai thác các công trình hạ tầng trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một trong những lĩnh vực cần ưu tiên là tái cơ cấu các DNNN. Thực tế là các DNNN nắm giữ lượng vốn đầu tư lớn nhưng đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng. Từ góc độ của chúng tôi, các cải cách trong khu vực DNNN còn diễn ra chậm và quá tập trung vào các DNNN nhỏ. Cần phải chuyển dần từ số lượng sang chất lượng.

Thách thức trước mắt là việc chuyển đổi và cổ phần hóa các tổng công ty 90 và 91 thành những đơn vị có hiệu quả và lợi nhuận, giải phóng hoàn toàn giá trị tiềm năng của tài sản mà các tổng công ty này nắm giữ, bao gồm cả các công ty thành viên của các tổng công ty này.

Những vấn đề về cơ sở hạ tầng yếu kém thường xuyên được các nhà đầu tư nêu lên như là một cản trở lớn cho việc đầu tư vào Việt Nam . Các cơ sở hạ tầng quốc gia hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu nhân công có tay nghề thực sự là nút cổ chai cho hoạt động đầu tư.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là hiện nay lạm phát của Việt Nam đang ở mức quá cao so với các nước trong khu vực và dự trữ ngoại hối vẫn đang được duy trì ở mức thấp. Chính phủ đã cam kết nhằm kéo giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn 9 - 11% và duy trì mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2012. Trước đây, Chính phủ đã thành công trong việc kéo giảm lạm phát từ mức 23% xuống còn 7%. Vì vậy, mục tiêu lần này của Chính phủ kéo lạm phát xuống còn một con số trong năm 2012 không phải là không thể đạt được.

Rủi ro chủ yếu cho những dự báo này là sự nới lỏng quá sớm các chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, và cuối cùng là lạm phát bên ngoài cao do giá lương thực tăng cao.

Tái cơ cấu để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế là điều không còn phải nghi ngờ mà tất cả chúng ta đều kỳ vọng. Vấn đề là tiến hành tái cơ cấu như thế nào và mức độ tái cơ cấu đến đâu.

Về ngắn hạn, Việt Nam vẫn cần phải duy trì chính sách vĩ mô thắt chặt đến khi lạm phát được kéo giảm đạt được mục tiêu đã đề ra và lòng tin của thị trường đối với tiền đồng được khôi phục. Về trung hạn, cần giải quyết các vấn đề căn bản của lạm phát cao thông qua các cải cách cơ cấu.

Ngân hàng Nhà nước nên từng bước giảm dần lãi suất cho vay theo xu hướng giảm dần của lạm phát. Như vậy, vừa đảm bảo giá trị tiền đồng, vừa neo lại lạm phát kỳ vọng. Chúng tôi thấy cần phải tăng cường hơn nữa sự minh bạch thông tin và tăng cường các biện pháp truyền thông tốt hơn nữa để tăng hiệu quả chỉ đạo và cải thiện phối hợp các chính sách.

Chúc bạn đọc của Báo Đầu tư Chứng khoán một măm mới An khang - Thịnh vượng và Thành công.