Không để dự án cao tốc giai đoạn 2 rơi vào tình trạng như giai đoạn 1

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không để giai đoạn 2 rơi vào tình trạng của giai đoạn 1, chỉ thay đổi phương thức đấu thầu và phương thức đầu tư mà mất gần 4 năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ .

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ .

Đồng ý trình Quốc hội dự án dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), song Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý không để dự án này rơi vào tình trạng của giai đoạn 1, chỉ thay đổi phương thức đấu thầu và phương thức đầu tư mà mất gần 4 năm.

Trong phiên họp thứ sáu, sáng 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương đầu tư dự án này, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án rất quan trọng, dự kiến nằm trong gói kích thích kinh tế nên phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên cơ sở nền tảng quy định hiện hành.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng triển khai nhanh, gấp rút, đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong bối cảnh Chính phủ dự kiến xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.

Lưu ý rút kinh nghiệm từ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giai đoạn 1 mất nhiều thời gian chuẩn bị, vì ban đầu công bố đấu thầu quốc tế, xong hồi kết lại cho rằng rủi ro nên trình lại để đấu thầu trong nước. Rồi lúc đầu trình 8 gói PPP và 3 gói đầu tư công, nhưng sau đó trình lại 3 gói PPP và 8 gói đầu tư công.

"Vì chuyện đó kéo dài, riêng 2 việc đó mất gần 4 năm, chứ không đến mức độ luật pháp cản trở đầu tư. Mỗi chuyện thay đổi phương thức đấu thầu, thay đổi phương thức đầu tư, mất gần 4 năm. Ta cứ nói chậm, vướng pháp luật nhưng không hẳn như vậy. Vướng gì trong Luật đầu tư công đã sửa, PPP đã sửa, nhưng thay đổi đấu thầu, đầu tư mất 3-4 năm, nên đừng để giai đoạn 2 rơi vào trình trạng như vậy", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ông cũng đề nghị tờ trình dự án ra Quốc hội phải tính hết các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, ngoài việc hoàn thiện hồ sơ, cần có báo cáo tiếp thu giải trình các ý kiến thẩm tra để thống nhất lại giữa hồ sơ trình, hồ sơ thẩm tra chính thức.

Về những đề xuất cụ thể của Chính phủ, liên quan đến tổ chức thực hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng không nên giao dự án cho địa phương, bởi đây là công trình có kỹ thuật cao, năng lực của địa phương không đủ để thực hiện.

Đây là dự án tiêu chuẩn cao thì Trung ương phải quản lý, Chính phủ cũng muốn nhanh nhưng không thể giao cho địa phương được, đừng có trình Quốc hội việc giao cho địa phương, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.

Một vấn đề nữa ông Định cũng cho rằng cần phải báo cáo rõ với Quốc hội, đó là ý kiến của cơ quan thẩm tra về quy mô Chính phủ trình 4 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 – 120km/h cho tất cả các đoạn của Dự án là chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc. Với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp).

Ông Định khẳng định ý kiến cơ quan thẩm tra là đúng, nhưng làm như thế tăng vốn rất lớn và không có khả năng huy động, thời gian hoàn thành cũng rất dài, đến 2025 không thể hoàn thành. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo rõ Quốc hội là năng lực như hiện nay thì xin làm quy mô như tờ trình, cứ báo cáo công khai minh bạch, ông Định đề nghị.

Về nguồn vốn, trong khoảng 146.990 tỷ đồng, Chính phủ tính toán giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án và kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cho rằng 72.497 tỷ đồng là tỷ lệ vốn rất lớn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn là có độ vênh về thời điểm. Bởi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu là trong năm 2022-2023, còn trọng tâm của dự án thì lại rơi vào giai đoạn sau.

Theo tờ trình của Chính phủ, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài khoảng 729 km, đầu tư công toàn bộ với tổng mức 146.990 tỷ đồng, sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Tin bài liên quan