Không nên vội vàng giải ngân bắt đáy

Không nên vội vàng giải ngân bắt đáy

(ĐTCK) Tổng kết tháng 3, chỉ số VN-Index gần như không thay đổi về điểm số, mở cửa ngày 1/3 tại 560 điểm và phiên đầu tháng 4 đóng cửa tại 558,43 điểm.

Riêng tuần qua, VN-Index có tuần giảm điểm thứ 3, giảm 2,4%. HNX-Index đóng cửa tại 78,47 điểm, giảm 1,58%. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình. Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4, với 17 tỷ đồng mua ròng trên cả hai sàn.

Từ phiên giao dịch thứ Ba (29/3), VN-Index có dấu hiệu giảm điểm khá rõ  khi đóng cửa dưới ngưỡng hỗ trợ 570 điểm, kết thúc chuỗi 19 phiên giằng co trên mốc cản này. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như dầu khí, ngân hàng đồng loạt giảm giá là nhân tố chính kéo chỉ số xuống thấp. Điển hình như giá cổ phiếu VCB giảm 4,4%, GAS giảm 8,2%... Nhóm cổ phiếu dầu khí không còn hấp dẫn dòng tiền đầu cơ theo giá dầu, khi giá dầu WTI giảm 4,6%, đánh dấu tuần giảm giá thứ 2, sau khi chạm mốc 42 USD/thùng.

Câu chuyện về El Nino đạt đỉnh điểm trong năm nay hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu nhiệt điện cũng không còn “nóng”. Không tránh khỏi đà giảm điểm chung của thị trường, các cổ phiếu nhiệt điện đối diện với lực bán mạnh. NT2, BTP giữ được giá, không bị giảm mạnh, trong khi đó PPC giảm 7,6%.

Trên sàn UPCoM, sau tuần tăng điểm vùn vụt trước đó nhờ thu hút được dòng tiền đầu cơ, nhiều cổ phiếu đã bị chốt lời hàng loạt trong tuần qua. Các mã tăng giá mạnh như MSR, VEF, KTB, TOP, VGC, ITS… trong 2 phiên cuối tuần đều đóng cửa trong tình trạng dư bán ở mức giá sàn. Với biên độ giao dịch 15%, những mã này đang khiến tài khoản của những nhà đầu tư chưa kịp bán ra gặp rủi ro cao.

Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen đã có bài phát biểu, trong đó thể hiện khả năng sẽ trì hoãn tăng lãi suất trong tháng 4 do thị trường thế giới có phản ứng không mấy tích cực trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Tài chính quốc tế (IIF), dòng vốn đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi toàn cầu tăng mạnh, đạt 36,8 tỷ USD trong tháng 3/2016 (tháng 2 là 5,2 tỷ USD), trong đó khu vực châu Á chiếm 20,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, các quỹ ngoại trong thời gian gần đây liên tục rót vốn vào cổ phiếu Việt Nam (GTN, SSI, BIC, PVI, KDC, DBC…). Những thông tin trên phần nào hỗ trợ cho sự tham gia tích cực của khối ngoại trên TTCK Việt Nam. Khối ngoại đã mua ròng hơn 830 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tháng 3.

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đã xác nhận nhịp giảm điểm khi phá vỡ ngưỡng cản cứng tại 570 điểm. VN-Index đã tích lũy trên vùng này gần 20 phiên giao dịch, điều này có nghĩa, khi chỉ số giảm xuống sâu hơn mức 570 điểm, lực cung sẽ gia tăng do một bộ phận nhà đầu tư giao dịch theo phân tích kỹ thuật. Trên đồ thị dạng nến, VN-Index cuối tuần qua đóng cửa ở phía dưới cả ba đường trung bình giá ngắn, trung và dài hạn.

Bộ phận Sales & Trading thuộc CTCK VNDirect đánh giá, thời điểm hiện tại, chỉ số này đang đối diện với nguy cơ giảm điểm. Trong tuần giao dịch này (4 - 8/4), VN-Index có thể sẽ có những nhịp giảm mạnh trong phiên, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân bắt đáy, mà nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục để đảm bảo an toàn.

Tin bài liên quan