Khu công nghiệp “xanh” không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh

Khu công nghiệp “xanh” không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh

Khu công nghiệp “xanh” đắt hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phát triển khu công nghiệp xác định, khu công nghiệp “xanh” sẽ là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và thực tế là mô hình này đang rất hút khách.

Ưu tiên yếu tố “xanh”

Năm 2014, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu công nghiệp chuyên sâu. Đây cũng được lựa chọn là khu công nghiệp kiểu mẫu, khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành thuộc chương trình phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất và được chính quyền tỉnh phê duyệt vào tháng 9/2018.

Do vậy, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 nâng tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Kết quả, tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại khu công nghiệp này đạt 3 tỷ USD với 41 nhà đầu tư, dự kiến đến năm 2026 nâng lên 5,5 tỷ USD, suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 nhìn nhận, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi vào khu công nghiệp rất quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững, tìm kiếm các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát đối với 200 doanh nghiệp FDI mới đây của KPMG Việt Nam cho thấy, trong các yếu tố tác động tới quyết định rót vốn, xu hướng khu công nghiệp xanh được ưu tiên chọn lựa, bên cạnh những yếu tố truyền thống như vị trí (giao thông thuận tiện, gần cảng, gần sân bay...), nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác…

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG nhìn nhận, chúng ta đã thấy rõ vấn đề tái cấu trúc kinh tế hướng theo kinh tế xanh và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Một ví dụ dễ thấy là trong năm 2023, đơn hàng ngành dệt may xuất khẩu sang các nước phát triển không còn dễ dàng, một phần bởi kinh tế thế giới khó khăn, phần khác do kinh tế xanh được đề cao, đặc biệt tại châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc họ yêu cầu dùng nguyên liệu tái chế, quy trình bảo vệ người lao động…, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được tiêu chí này.

Ông John Campbell, Phó giám đốc - Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, cách đây 4-5 năm, khách tìm thuê đất công nghiệp không hỏi nhiều đến các yếu tố bền vững, nhà xưởng tiêu chuẩn LEED hay khả năng dùng điện mặt trời, nhưng nay đã khác.

“Chúng tôi đang nhận nhiều yêu cầu của khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu quan tâm đến khu công nghiệp bền vững…”, ông nói John Campbell và chia sẻ thêm, hiện nay, quy mô các khu công nghiệp xanh tại Việt Nam chưa đủ lớn, trong khi chỉ một vài khu công nghiệp bắt đầu thay đổi xu hướng.

Thực tế, dù chưa có sự bùng nổ về số lượng, song ghi nhận thực tế cho thấy, xu hướng hình thành khu công nghiệp xanh đang dần rõ nét. Chẳng hạn, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) của Shinec có quy mô hơn 263 ha và chủ đầu tư dành hơn 40% diện tích cho công viên, cây xanh, khu vực công cộng và cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, tính đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút hơn 100 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hay tại Khu công nghiệp VSIP, sau thành công thu hút Lego - nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới đến đầu tư, đầu tháng 9/2023, chủ đầu tư khu công nghiệp này khởi công xây dựng Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 có diện tích hơn 293 ha theo định hướng thông minh, bền vững.

Tương tự, dự án Eco Logistics Centre (Bình Dương) của Frasers Property Vietnam cũng vừa được chứng nhận Công trình xanh LEED, được trao bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC).

Ngoài những cái tên kể trên, một số dự án khu công nghiệp khác cũng đã đăng ký và được cấp chứng nhận LEED có thể kể đến là dự án Core5 Hải Phòng tại Khu công nghiệp Deep C2 (Hải Phòng), dự án Logos tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh (Bắc Ninh), dự án RBW tại Khu công nghiệp Phú Tân (Bình Dương) và Khu công nghiệp Xuyên Á (Long An)…

Nắm bắt cơ hội

Khảo sát đối với 200 doanh nghiệp FDI mới đây của KPMG cho thấy, trong các yếu tố tác động tới quyết định rót vốn, xu hướng khu công nghiệp xanh được ưu tiên chọn lựa, bên cạnh những yếu tố truyền thống như vị trí (giao thông thuận tiện, gần cảng, gần sân bay...), nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác…

Việc các nhà đầu tư quốc tế coi Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, mở rộng địa điểm sản xuất - kinh doanh cho thấy, có nhiều cơ hội mở ra từ xu hướng dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam, song các chuyên gia cho rằng, không phải cơ hội nào cũng được kịp thời nắm bắt và chuyển hóa thành hiện thực nếu không hiểu rõ về xu hướng của những dòng vốn đó và có sự chuẩn bị phù hợp.

Ông Trương An Dương, Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết, trong tháng 9/2023, Frasers Property Vietnam đã khởi công dự án công nghiệp và hậu cần đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam - Trung tâm công nghiệp Yên Phong 2C ở tỉnh Bắc Ninh, cũng là dự án đầu tiên hợp tác với Tập đoàn Gelex được công bố hồi đầu năm. Trong 2-3 năm tới, Frasers Property Vietnam có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư ở cả miền Bắc và miền Nam quy mô khoảng 680.000 m2 cơ sở công nghiệp với các tiện ích xã hội, chăm sóc sức khỏe dành riêng cho khách thuê.

“Hầu hết khu công nghiệp của Frasers Property Vietnam tập trung vào tính bền vững, có tiện ích tích hợp và cung cấp dịch vụ kinh doanh trọn gói cho khách thuê. Việc đa dạng hóa sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi lãnh đạo và hành động có trách nhiệm với tư cách là nhà đầu tư, nhà phát triển và nhà điều hành dự án, cung cấp những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, trở thành tập đoàn không phát thải carbon và xây dựng cộng đồng kết nối và lành mạnh”, ông Dương nói.

Ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc Le Mont Group - chủ đầu tư Cụm công nghiệp Le Mont Xuân Phương nhìn nhận, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp xanh và thông minh đi kèm xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín là một hướng đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các khu công nghiệp xanh không chỉ tập trung vào tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm phát thải CO2, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sạch và hiệu quả.

Tuy vậy, phát triển các dự án khu công nghiệp theo chuẩn ESG vẫn là xu hướng khá mới ở Việt Nam nên khi triển khai sẽ gặp không ít thách thức, đầu tiên là nguồn tài chính và đầu tư ban đầu lớn để ứng dụng các công nghệ mới và thiết bị xanh, cũng như thiết lập hệ thống quản lý và theo dõi ESG.

Tiếp theo, để tuân thủ các tiêu chí ESG, các doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức hoạt động và quản lý. Điều này có thể tạo ra khả năng xung đột với cách làm truyền thống, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong tư duy kinh doanh. Đồng thời, để thực hiện các tiêu chí ESG, doanh nghiệp cần có nhân lực được đào tạo và có kiến thức về các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị. Điều này có thể đặt ra thách thức trong việc tìm kiếm và duy trì nhân tài chất lượng.

“Tuy việc triển khai các dự án công nghiệp theo chuẩn ESG sẽ gặp những trở ngại nhất định, nhưng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương…, các doanh nghiệp có thể chọn lộ trình hợp lý để sớm thực hiện thay đổi từng bước, bởi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Hoo Swee Loon chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan