KSB được chấp thuận chủ trương tiếp tục thăm dò khai thác mỏ Tân Đông Hiệp

KSB được chấp thuận chủ trương tiếp tục thăm dò khai thác mỏ Tân Đông Hiệp

(ĐTCK) Theo nguồn tin riêng của Đầu tư chứng khoán, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản thống nhất chủ trương giao cho 4 đơn vị, trong đó có CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) được phép thăm dò khai thác xuống sâu đến cote - 150m của cụm mỏ Tân Đông Hiệp trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch để cấp phép mới.

Cũng theo nguồn tin trên, thực hiện chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương cũng đã tiến hành lấy ý kiến người dân xung quanh cụm mỏ Tân Đông Hiệp.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dân ủng hộ để cụm mỏ Tân Đông Hiệp được tiếp tục khai thác là rất cao, lên đến 92%. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng quyết định việc cho phép gia hạn khai thác cụm mỏ Tân Đông Hiệp.

KSB được chấp thuận chủ trương tiếp tục thăm dò khai thác mỏ Tân Đông Hiệp ảnh 1

Theo thông tin mới nhất từ KSB, Công ty đã chi hơn 39 tỷ đồng để sở hữu hai mỏ đá tại Nghệ An và Thanh Hóa.

Cụ thể, KSB đầu tư hơn 25 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần của CTCP Phú Nam Sơn, đơn vị sở hữu mỏ đá Gò Trường tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Với trữ lượng lên đến 10 triệu khối đá nguyên khối, mỏ Gò Trường kỳ vọng mang về doanh thu mỗi năm trên 150 tỷ đồng.

KSB cũng chi gần 14 tỷ đồng để sở hữu 70% mỏ Bãi Giang tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với trữ lượng khai thác lên đến 5 triệu khối đá nguyên khối và kì vọng mang về doanh thu khoảng trên 100 tỷ đồng mỗi năm.

Lãnh đạo KSB cho biết, quyết định đầu tư vào hai mỏ này nằm trong chiến lược cốt lõi của công ty là trở thành công ty dẫn đầu về ngành khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. Đồng thời, đây là hai mỏ đá chiến lược, có đầu ra rõ ràng và kỳ vọng mang lại doanh thu cao cho KSB so với tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, KSB cũng đang thực hiện việc đánh giá lại trữ lượng và rà soát pháp lý các mỏ đá tại khu vực Tân Cang (Đồng Nai) và Bà Rịa Vũng Tàu. Động thái này cho thấy KSB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực khai thác khoáng sản trong năm 2018.

Năm 2017, KSB ước đạt doanh thu 1.070 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 342 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế ước đạt 275 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016.

Ngoài lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong năm 2017, KSB đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp.

Theo đó, KSB chi 300 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp KSB. Với việc thành lập công ty chuyên về phát triển khu công nghiệp, KSB đang hướng tới mục tiêu tăng thêm doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh này.

Theo ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghiệp KSB, trước mắt Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và cho thuê khu công nghiệp Đất Cuốc, đồng thời đang đàm phán mua lại một khu công nghiệp có tiếng ở TP. HCM. 

Tin bài liên quan