Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Họp trực tuyến liền mạch nếu Covid-19 diễn biến phức tạp

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Họp trực tuyến liền mạch nếu Covid-19 diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đây là thông tin được chia sẻ tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV diễn ra ngày 19/10/2021.

Theo đó, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 02 đợt.

Trong đó, đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021).

Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy, 1 ngày Chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (06 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021). Tại đợt 2, Quốc hội dự kiến làm việc 01 ngày thứ Bảy.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ, nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Được biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét để thông qua 2 dự án luật và 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cũng liên quan đến thời gian tiến hành kỳ họp, ông Bùi Văn Cường đề nghị UBTVQH xem xét và báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm được khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị về rút ngắn thời gian thảo luận ở tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thanh Hóa...

Việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (phiên trù bị) sẽ áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên máy tính bảng.

Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Văn phòng Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên máy tính bảng đối với các dự thảo luật, nghị quyết, đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.

Tin bài liên quan