Các doanh nghiệp đang có tâm lý chờ lãi suất giảm thêm mới gõ cửa ngân hàng vay vốn.

Các doanh nghiệp đang có tâm lý chờ lãi suất giảm thêm mới gõ cửa ngân hàng vay vốn.

Lãi suất giảm vẫn khó cho vay

(ĐTCK-online) Các ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ trong tháng 4/2010 vẫn chưa được cải thiện nhiều so với tháng trước đó, cho dù lãi suất cho vay thỏa thuận đã điều chỉnh giảm dần, đồng thời nhà băng đẩy mạnh hỗ trợ vốn hơn những tháng đầu năm 2010.

Chờ lãi suất giảm thêm

Theo các nhà băng, phải đến đầu tháng 5, thậm chí là muộn hơn mới có thể đánh giá tác động của việc bỏ trần lãi suất cho vay đến tăng trưởng tín dụng. Vì thực tế hiện nay, lượng khách hàng quan tâm đến khoản vay có gia tăng, nhưng tổng vốn giải ngân chưa có gì thay đổi so với một tháng trước đây.

Tại ACB, số lượng khách hàng là DN  nhỏ và vừa (DNNVV) từ đầu năm đến nay tăng khoảng 500 đơn vị. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng này, tổng vốn giải ngân (tức dư nợ tín dụng của khối khách hàng DNNVV) vẫn chưa nhiều. Hiện ACB áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các DNNVV nằm trong khoảng 15%; còn DN lớn là 14% và khách hàng cá nhân dao động trong biên độ 14 - 16%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng.

Trong 3 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng của ACB chỉ ở khoảng 3%, trong khi huy động vốn tăng đến 10%. Hiện ACB đang có nguồn vốn khả dụng dồi dào và từng bước đẩy mạnh vốn hỗ trợ khách hàng, nhất là các DNNVV.

Tổng giám đốc OCB, ông Trần Văn Vĩnh cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong thời gian gần đây không đáng kể. Theo ông Vĩnh, khả năng phải đến giữa hoặc cuối tháng 5/2010 mới có thể thấy được tác dụng của việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với khoản vốn ngắn hạn. Lãi suất cho vay thỏa thuận cả ngắn, trung, dài hạn tại OCB hiện dao động 15,5 - 17%/năm, tùy từng đối tượng khác nhau.

Các ngân hàng cho biết, hiện các DN có tâm lý chờ lãi suất thỏa thuận giảm thêm mới tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Vì thế, nhận xét được đưa ra từ phía nhà băng là lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ còn giảm thêm khoảng 1 - 1,5%/năm trong tháng tới và sau đó ổn định ở hai quý tiếp theo. Chính việc bỏ trần lãi suất cho vay đã tạo ra sự cạnh tranh tích cực về lãi suất, vì thực tế hiện nay không chỉ với lãi suất cho vay DN có chiều hướng giảm dần mà ngay cả với tín dụng cá nhân, để có thể tăng trưởng cũng khó duy trì lãi suất cao.

Tại ABBank, Eximbank, ACB…, lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khách hàng cá nhân đã giảm nhiệt so với trước đây. Cụ thể tại, Eximbank, khách hàng cá nhân vay vốn phải trả mức 14 - 16,5%/năm. Tương tự, ABBank dao động trong khoảng này và ACB cũng không nằm ngoài mức trên, thậm chí lãi suất cho vay còn mềm hơn.

Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank cho biết, tăng trưởng dư nợ của khách hàng cá nhân vẫn trong tư thế chờ đợi chứ chưa có sự bứt phá, cho dù nhu cầu về vốn mua nhà luôn tăng theo sự phát triển của xã hội. Theo ông Thái, với khách hàng cá nhân, nhu cầu về vốn mua, sửa chữa nhà dưới hình thức trả góp là không nhỏ, nhưng mức lãi suất cho vay thỏa thuận có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay là khoảng 15%/năm.

Vì thế, nhiều cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà ở cũng như mua đất xây nhà hoặc vay vốn để sửa chữa nhà… vẫn muốn chờ lãi suất giảm thêm. Đặc biệt là khi giá bất động sản chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại. 

           

Mục tiêu tăng trưởng thấp… vẫn khó

So với năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng các ngân hàng đưa ra trong năm nay thấp hơn, nhất là với nhà băng quy mô lớn, nhằm đảm bảo phù hợp mục tiêu tăng trưởng dư nợ chung của toàn ngành là khoảng 25%. Đơn cử tại DongA Bank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2010 chỉ ở mức 25%, ngang bằng so với năm trước. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết, trong năm nay sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng, nhất là đối với khoản vốn hỗ trợ khách hàng cá nhân của sản phẩm "cho vay 24 phút" được triển khai đầu năm 2009. Vì thế, tăng tưởng dư nợ của DongA Bank 4 tháng đầu năm vẫn không nằm ngoài thực trạng chung của ngành và tương đối chậm.

Chủ tịch HĐQT Trust Bank, ông Hoàng Văn Toàn cho rằng, với mức lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay DN vẫn chưa thể chấp nhận. Nhưng nếu giảm thêm lãi suất đầu ra đòi hỏi trước hết đối với ngân hàng là phải giảm chi phí đầu vào. Song để làm được điều này trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ đối với nhà băng.

Giảm lãi suất huy động là điều mà ngân hàng nào cũng muốn, nhưng không thể làm được ngay. Vì thế, theo các nhà băng, để giảm được chi phí đầu vào, từ đó hạ lãi suất đầu ra là đòi hỏi phải có thời gian và trên cơ sở diễn biến của thị trường. Do đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng không thể cải thiện được ngay sau một thời gian trần lãi suất cho vay được dỡ bỏ. So với chỉ tiêu xây dựng cho cả năm, hiện tăng trưởng dư nợ của nhiều ngân hàng chỉ mới đạt được mức rất thấp. Đơn cử như OCB, mục tiêu tăng trưởng dư nợ bình quân đưa ra cho cả năm là 30%, nhưng 3 tháng đầu năm chỉ mới đạt vài phần trăm. Tương tự, ACB với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm 54%, song lãnh đạo Ngân hàng này cho biết, 3 tháng đầu năm mức tăng trưởng cũng không đáng kể.

Theo các nhà băng, áp lực tăng trưởng dư nợ hiện nay là không nhỏ. Nguồn vốn khả dụng đang dư thừa khá dồi dào, nhưng khách hàng lại thiếu mặn mà với vốn vay ngân hàng, vì ngại áp lực lãi vay.

Trong khi đó, kỳ vọng nguồn thu đóng góp nhiều nhất vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay vẫn chủ yếu từ hoạt động cho vay. Đặc biệt là khi hoạt động tín dụng sàn vàng phải đóng cửa và kinh doanh ngoại tệ, vàng không còn hấp dẫn như trước đây. Vì thế, dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay phải ở mức thấp hơn năm trước, nhưng các ngân hàng cho biết, nếu hoạt động cho vay trong các quý tới không thay đổi so với hiện nay sẽ rất khó khăn để hoàn thành lợi nhuận.

Theo ông Vĩnh, nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn là đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của OCB trong các năm qua. Cụ thể, năm 2009, với tổng lợi nhuận trước thuế thu về của OCB đạt trên 270 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động cho vay đóng góp đến hơn 80% tổng thu nhập.

Vì thế, trước tình hình hoạt động cho vay cũng như phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với mục tiêu của ngành trong năm nay, OCB sẽ phải cơ cấu lại nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận, trong đó gia tăng nguồn thu từ dịch vụ.

Các ngân hàng cho biết, khả năng sẽ phải từng bước điều chỉnh chi phí đầu vào để cắt giảm lãi suất đầu ra, nhằm cải thiện tăng trưởng tín dụng ở các quý tới. Mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận hiện đã giảm từ 1,5 - 2%/năm so với tháng trước, nhưng theo dự báo từ các nhà băng, lãi suất sẽ còn giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong thời gian tới.