Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 1%/năm

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 1%/năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với trước Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện lãi suất huy động tiền gửi đã giảm khoảng 1% tại một số ngân hàng, song áp lực lãi vay chưa hạ nhiệt.

Lãi suất tiền gửi có dấu hiệu giảm nhẹ

Nhìn chung cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng đang có tín hiệu hạ nhiệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi thanh khoản dồi dào hơn và nhu cầu vốn đầu năm của khách hàng chưa tăng cao so với mùa cao điểm cuối năm. Mức lãi suất huy động một số kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,1 - 1%/năm.

Cụ thể, tại Techcombank, mức lãi suất cao nhất hiện là 9,2%/năm với khách hàng Private/VIP 1 gửi từ 3 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12-36 tháng. Trong khi trước đó, tại kỳ hạn 12 tháng, khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm với hạn mức từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không tất toán trước hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất tại Techcombank cao nhất lên đến 9,5%/năm.

Đồng thời, các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng tại Techcombank hiện cũng chỉ được hưởng lãi suất 8,5%/năm, thay vì mức trên 9% như trước Tết.

Còn với Sacombank, hiện mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online tại kỳ hạn 15-36 tháng (so với mức cao nhất được niêm yết trước đó là 9,6%/năm).

Tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng được Saigonbank niêm yết với mức lãi suất lần lượt là 9,4%/năm và 9,5%/năm, tương ứng giảm 0,6-1% so với giữa tháng 12/2022. Saigonbank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất từ mức trên 10%/năm xuống 9,5%/năm sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi các thành viên giảm lãi suất tiền gửi xuống mức tối đa 9,5%/năm để giảm chi phí, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng và 8 tháng của Saigonbank cũng giảm 0,4% xuống cùng mức 9,2%/năm. Kế đó là kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng với mức lãi suất 9,3%/năm, giảm 0,5%. Các kỳ hạn còn lại gồm 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, cùng có lãi suất giảm 0,7% so với tháng trước, ở mức 9,3%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã hạ lãi suất như OceanBank hiện mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm, trong khi trước đây mức cao nhất là 10%/năm; Bac A Bank giảm từ 9,8%/năm xuống 9,5%/năm.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi từ khu vực dân cư đã bật tăng rõ rệt trong tháng 11 (tăng 8,9% so với cùng kỳ, từ mức 6,8% vào tháng 10), còn tiền gửi từ khu vực khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự cải thiện.

Dong A Bank cũng giảm lãi suất từ 9,85% xuống còn 9,5%/năm, nhưng áp lãi suất trần tối đa 6%/năm đối với kỳ hạn từ 1-3 tháng. Riêng kỳ hạn tiền gửi 6 tháng tại DongA Bank được áp dụng lãi suất đến 9,35%/năm. Đồng thời, thực trạng thỏa thuận lãi suất ngoài vẫn tồn tại ở một số nhà băng nhỏ.

Trong khi đó, đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất huy động tại các ngân hàng này hiện không có nhiều thay đổi so với trước tết Quý Mão. Cụ thể, VietinBank và BIDV niêm yết lãi suất cao nhất là 8,2%/năm, Agribank là 7,9%/năm và Vietcombank là 7,4%/năm.

Nhận định được đưa ra từ CTCP Chứng khoán SSI cho biết, sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm ngoái, lãi suất huy động hiện tại đã ổn định hơn với mặt bằng vào khoảng 8-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, giảm 0,5% so với cuối năm 2022.

Mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022 trong trường hợp thị trường tích cực, song nhóm phân tích đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân theo SSI là do mức lãi suất trên vẫn được đánh giá tương đối cao so với các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và dân cư. Mặt bằng lãi suất huy động cao đã thu hút lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư.

Kỳ vọng lãi vay hạ nhiệt nửa cuối 2023

Động thái rõ ràng nhất của nhà điều hành trong thời gian gần đây đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại khống chế lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm. NHNN cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1 - 1,5% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay.

Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn chưa có động thái điều chỉnh giảm. Lãi suất cơ sở cao nhất hiện đang ghi nhận tại Eximbank là 10,1%/năm dành cho các hợp đồng tín dụng có thời hạn vay trên 5 năm, chu kỳ thay đổi lãi suất 6 tháng. Mức thấp nhất là 8,8%/năm, được áp dụng cho các khoản vay có thời hạn tối đa 1 năm, chu kỳ thay đổi lãi suất 3 tháng.

Tại Sacombank, lãi suất cơ sở hiện dao động từ 6,5-10,1%/năm, không có sự thay đổi so với trước Tết Nguyên đán; tương tự, lãi suất cơ sở của ACB vẫn đang được duy trì ở mức 9,5%/năm, chưa có sự thay đổi so với trước Tết;

Tại VPBank, lãi suất cơ sở thấp nhất đang là 10,6%/năm áp dụng cho các khoản vay có thời hạn 1-3 tháng, chu kỳ điều chỉnh 1 tháng; cao nhất là 12,6%, áp dụng cho các khoản vay có thời hạn trên 15 năm, chu kỳ điều chỉnh 3 tháng. SeABank hiện vẫn áp dụng mức lãi suất cơ sở 12%/năm đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ từ ngày 09/07/2020.

Đáng chú ý, ở một số ngân hàng khác có quy mô vừa và nhỏ hơn cũng đang có lãi suất cơ sở cao trên 10%/năm. Chẳng hạn như SHB là 11,2-12,7%/năm; TPBank là 10,4-11,9%/năm; VIB là 9,3-11,5%/năm và VietBank là 11-12%/năm.

Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đều cao hơn đáng kể so với mức 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN.

Trong khi đó, lãi suất huy động thông thường sẽ giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thực tế, hiện lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng chưa giảm nhiều so với mức tăng mạnh trước đó, nhất là trong quý IV/2022. Vì thế, các nhận định đưa ra là khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay mới bắt đầu có sự hiệu chỉnh.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 trước hết là tính toán từ những con số, thông số để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.

Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

Trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trên thị trường liên ngân hàng, trong tuần qua, thanh khoản có phần nào bớt dồi dào hơn trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và NHNN tiếp tục linh hoạt sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Cụ thể, 71.300 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày được phát hành trên kênh mua kỳ hạn với lãi suất 6%. Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu với kỳ hạn 7 ngày ở các phiên đầu tuần nhằm cân bằng với lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần.

Tổng cộng tuần qua, NHNN bơm ròng 86.000 tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn, lên 92.200 tỷ trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 55.000 tỷ (từ mức 110.000 tỷ). Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng dao động từ 7,8-8,8%.

Tin bài liên quan