Với quy mô vốn điều lệ gần 11.000 tỷ đồng, lớn nhất trong ngành, FE Credit chiếm gần 50% thị phần cho vay tiêu dùng.

Với quy mô vốn điều lệ gần 11.000 tỷ đồng, lớn nhất trong ngành, FE Credit chiếm gần 50% thị phần cho vay tiêu dùng.

Công ty tài chính mở rộng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những khó khăn trên thị trường, các công ty tài chính tiêu dùng đang trở lại mạnh mẽ.

Liên tục tăng vốn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (Lotte Finance). Theo đó, vốn điều lệ của công ty này sẽ tăng từ 4.186 tỷ đồng lên hơn 4.912 tỷ đồng, cao thứ ba trong ngành tài chính tiêu dùng, chỉ sau FE Credit và EVN Finance.

Lotte Finance, tiền thân là Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance), được Lotte Card (Hàn Quốc) mua lại 100% vốn vào năm 2017.

Việc tăng vốn điều lệ là bước đi chiến lược của Lotte Finance trong năm 2025. Theo đó, Công ty tiếp tục mở rộng các dịch vụ tài chính tiêu dùng như cho vay tiêu dùng, cho vay trả góp, vay mua ô tô, mua trước trả sau và phát hành thẻ tín dụng.

Đồng thời, Lotte Finance cũng triển khai thêm nhiều dịch vụ tài chính cho các khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu vay vốn tại thị trường Việt Nam.

Năm 2017, Techcombank bán 100% vốn tại Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte với giá chuyển nhượng là 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của Techcom Finance. Năm 2018, Lotte Finance bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 2020, Công ty tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 991,157 tỷ đồng.

Năm 2021, Lotte Finance tiếp tục tăng vốn từ 991 tỷ đồng lên 1.314 tỷ đồng. Năm 2022, vốn điều lệ của công ty này tiếp tục được tăng lên 1.836 tỷ đồng và đến giữa năm 2023 nâng lên 2.460 tỷ đồng, đến tháng 5/2024 tăng lên mức 4.186 tỷ đồng.

FE Credit, công ty tài chính lớn nhất trong ngành, cũng liên tục được bổ sung vốn điều lệ, đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2021. Cụ thể, FE Credit đã tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2015, sau đó tiếp tục tăng lên 2.790 tỷ đồng vào năm 2016, rồi lên 4.474 tỷ đồng vào năm 2017 và đạt 7.328 tỷ đồng vào năm 2018. Đáng chú ý, đến năm 2021, sau khi bán vốn cho SMBC, FE Credit nâng vốn điều lệ lên 10.928 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của EVN Finance cũng tăng từ mức 7.042 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 7.605 tỷ đồng trong năm 2024. Đây là kết quả của việc EVNFinance thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8% cho các cổ đông hiện hữu.

Năm 2024, EVNFinance chủ động xây dựng cơ cấu vốn an toàn, bền vững với tỷ trọng huy động vốn thị trường 1 và giấy tờ có giá chiếm gần 60% tổng nguồn vốn huy động. Tổng số dư cho vay khách hàng tại thời điểm 31/12/2024 đạt 46.802 tỷ đồng; chất lượng nợ vay được duy trì tốt, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục dưới 1%.

VietCredit cũng liên tục tăng vốn điều lệ trong những năm gần đây. Cụ thể, sau đợt tăng vốn trong tháng 2/2025, vốn điều lệ hiện tại của Công ty là gần 912 tỷ đồng.

Mở rộng cho vay tiêu dùng

Thực tế cho thấy, việc tăng vốn điều lệ của các công ty tài chính là để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như củng cố nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất, làm tiền đề cho tăng trưởng an toàn, bền vững của công ty tài chính.

Theo chia sẻ của FE Credit, việc liên tục tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt là trong việc cung cấp các khoản vay nhỏ lẻ cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.

Việc tăng vốn điều lệ cũng giúp Công ty củng cố vị thế trên thị trường và tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và quản lý rủi ro hiệu quả.

Với các nhóm sản phẩm dịch vụ chủ đạo như vay tiền mặt, vay mua xe máy trả góp, vay mua hàng điện máy gia dụng trả góp, thẻ tín dụng, FE Credit hiện đang dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với gần 50% thị phần hiện nay.

FE Credit, cùng với Home Credit, Mcredit (của MBBank), HDSaison (của HDBank)... tập trung vào các khoản cho vay nhỏ lẻ, phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Đây là phân khúc chưa được các ngân hàng ưu tiên phục vụ.

Mcredit, công ty tài chính do Ngân hàng Quân đội (MB) nắm 50% vốn cũng nhiều lần tăng vốn trong những năm qua. Từ mức 500 tỷ đồng khi mới thành lập (tháng 3/2016), quy mô vốn điều lệ của Mcredit đã đạt 1.600 tỷ đồng vào tháng 8/2022.

Ngoài MB, trong cơ cấu cổ đông của Công ty có Shinsei Bank Limited (góp 49%), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành (góp 1%). Việc tăng vốn điều lệ liên tục cho thấy Mcredit đang ngày càng mở rộng hoạt động và nỗ lực tăng trưởng trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Nhờ đợt tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.350 tỷ đồng trong năm 2022, HD SAISON có thêm nguồn lực để đẩy mạnh số hóa cũng như các kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn.

Đồng thời, quy mô vốn mới cũng góp phần tạo thuận lợi hơn cho Công ty trong việc tiếp cận với các đối tác tầm cỡ. Hiện HD SAISON đang duy trì mối quan hệ hợp tác bền chặt với hơn 17.600 đối tác.

Được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động từ năm 2007, đến nay, HD SAISON đã thỏa mãn nhu cầu vay của hơn 15 triệu khách hàng.

HD SAISON là công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên phát triển dịch vụ cho vay trả góp mua xe máy, ô tô, xe tải nhẹ, vật liệu xây dựng, nhạc cụ, du lịch, tổ chức tiệc cưới, học tập, thẩm mỹ, nha khoa và mua vé máy bay Vietjet.

Qua hơn 17 năm hoạt động, Công ty luôn duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần cho vay trả góp xe máy và sở hữu mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ lớn nhất với hơn 26.500 điểm giới thiệu dịch vụ tại các cửa hàng xe máy, ô tô, điện máy, điện thoại, nội thất, công ty du lịch, trung tâm tiệc cưới phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành phố.

Tin bài liên quan