Lạm phát vẫn là ẩn số

Lạm phát vẫn là ẩn số

Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm ở mức 2,74%, thì lạm phát tiếp tục là một “ẩn số” của nền kinh tế trong năm 2019.

Không nằm ngoài dự báo, CPI tháng 5/2019 đã tăng 0,49% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng 0,31% của tháng trước, mức giảm 0,21% của tháng 3/2019, cũng như mức tăng CPI của các tháng 5 trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong 10 năm qua, ngoại trừ tháng 5 của các năm 2011, 2016 và 2018, CPI tăng khá cao (tương ứng tăng 2,21%; 0,54% và 0,55%), thì mức tăng CPI tháng 5 của các năm còn lại hầu hết chỉ quay quanh ngưỡng 0,1 - 0,2%; thậm chí CPI tháng 5/2013 và 5/2017 còn giảm (giảm tương ứng 0,06% và 0,53%).

Tuy nhiên, sau các đợt tăng giá xăng dầu và tăng giá điện trong thời gian vừa qua, thì mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 có thể coi là “chấp nhận được”. Có mức tăng này có lẽ cũng một phần do trong tháng này, nước ta chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm, nên tác động làm giảm CPI chung. Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã góp phần kéo CPI tăng chậm lại.

Điều này là sự thực, bởi số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 5/2019 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước, lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng tăng 1,85% so với cùng kỳ.

“Việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản cho thấy, biến động giá chủ yếu do tăng giá xăng dầu, điện. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2019 so

với cùng kỳ ở mức 1,85% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”, Tổng cục Thống kê nhận định.

CPI tháng 5/2019 tăng khá cao, khiến CPI bình quân 5 tháng đã tăng 2,74% so với cùng kỳ. Câu hỏi đặt ra là, liệu lạm phát năm nay có được kiểm soát ở mức dưới 4% như mục tiêu đề ra hay không?

Câu trả lời, được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra ngay tại Báo cáo kinh tế thường niên 2019, được công bố ngày 29/5. Theo đó, VEPR đã đưa ra 2 kịch bản kinh tế năm 2019, trong đó, kịch bản 1, GDP tăng 6,56%, lạm phát 4,21%; kịch bản 2, GDP tăng 6,81%, lạm phát 4,79%.

Như vậy, dù ở kịch bản nào, thì lạm phát năm 2019 cũng sẽ cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Thậm chí, VEPR còn cho rằng, kịch bản 2 dễ xảy ra hơn.

“Lạm phát sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng lên tới 4 - 5%. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản 2 dễ xảy ra, nếu có sự cộng hưởng cả từ sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài”, VEPR dự báo.

Trên thực tế, từ trước đó, lạm phát đã được coi là một “ẩn số” trong năm nay. Bởi lẽ, kinh tế thế giới vẫn đang còn nhiều bất ổn, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng, giá dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao… sẽ ảnh hưởng tới không chỉ giá cả thị trường thế giới, mà cả Việt Nam.

Thậm chí, VEPR còn cho rằng, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị giảm giá dưới sức ép của chiến tranh thương mại có thể khiến VND bị phá giá nhẹ và đây cũng là yếu tố rủi ro tác động đến mức giá chung.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng bày tỏ mối lo ngại về những thách thức trong việc kiểm soát lạm phát trong năm nay. “Chính phủ cần có kịch bản để kiểm soát lạm phát, vì giá dầu thế giới đang đà tăng, giá xăng dầu trong nước tăng sẽ tác động tới kinh tế vĩ mô”, đại biểu Phạm Phú Quốc nói.

Nhiều đại biểu cũng đã nhắc đến việc cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Tin bài liên quan