Làm thế nào để ngăn chặn một cuộc Đại suy thoái thứ 2?

Làm thế nào để ngăn chặn một cuộc Đại suy thoái thứ 2?

Nền kinh tế thế giới có thể sẽ bước vào cuộc Đại suy thoái thứ 2 nếu các nhà hoạch định chính sách vẫn thiếu quyết tâm như hiện nay.

Nouriel Roubini, nhà kinh tế người Mỹ cho rằng, cuộc Đại suy thoái toàn cầu lần thứ nhất, diễn ra trong những năm 30 của thế kỉ trước có thể sớm lặp lại nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu không sớm thực thi các biện pháp cứng rắn.

 

Ông cho rằng, những chính sách dẫn dắt nền kinh tế sai lầm trong cuộc Đại khủng hoảng đầu tiên đã khiến chiến tranh tiền tệ và thương mại bùng nổ, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, gây bất ổn chính trị - xã hội và cuối cùng là chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1939.

 

Nouriel Roubini, 52 tuổi cũng là người đã dự đoán chính xác sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu 2008.

 

Ông hiện là giảng viên kinh tế tại Đại học New York và là Chủ tịch công ty tư vấn kinh tế toàn cầu mang chính tên mình. Roubini đã nhận bằng cử nhân kinh tế chính trị tại Đại học Bocconi, Milan và bằng tiến sĩ kinh tế của trường Đại học Harvard.

 

Ông từng làm việc cho Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng trung ương Israel .

 

Dưới thời chính quyền tổng thống Mỹ Clinton, Roubini là Cố vấn cấp cao trong Hội đồng kinh tế Mỹ và cố vấn cấp cao tại Kho bạc Nhà nước.

 

Trong bài viết đăng tải trên Reuters, Roubini nhận định các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy rằng sự suy thoái kinh tế đang quay trở lại với những nền kinh tế hàng đầu thế giới: “ Thị trường tài chính hiện đang trong tình trạng căng thẳng cao độ nhất kể từ sự sụp đổ của gã khổng lồ trong ngành tài chính là Lehman Brothers trong năm 2008”.

 

Ông cho biết, rủi ro của một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thậm chí còn có thể tồi tệ hơn những gì đã diễn ra 3 năm trước do nền kinh tế đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng ở cả khu vực tài chính công và khu vực tư nhân.

 

Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới, Roubini cho rằng các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu cần quan tâm đến những vấn đề sau:

 

Trước tiên, các biện pháp thắt lưng buộc bụng là cần thiết để tránh tình trạng lạm phát và thâm hụt ngân sách trầm trọng. Tuy nhiên, không chỉ các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone mà những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, vương quốc Anh cũng cần thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu. Trong đó, ngân hàng là một trong những lĩnh vực then chốt cần được củng cố thận trọng.

 

Hiện tại, có ít nhất 9 ngân hàng châu Âu đã không vượt qua được kì kiểm tra về vốn và 16 ngân hàng khác trong khu vực này đang đứng trước nguy cơ mất kiểm soát tỷ lệ vốn.

 

Thứ 2, nới lỏng tín dụng có thể sẽ mang lại hiệu quả hơn so với các chính sách nới lỏng định lượng đang được một số quốc gia vận dụng. Ngân hàng trung ương châu Âu ECB nên giảm lãi suất, thay vì quyết định tăng lãi suất như đã thực thi hồi tháng 4 vừa qua.

 

Các chính sách nới lỏng tiền tệ và nới lỏng tín dụng cũng là vấn đề cần thiết đối với Cục dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Anh Quốc và Thụy Sĩ.

 

Thứ 3, để phục hồi tốc độ tăng trưởng tín dụng, ngân hàng khu vực châu Âu và hệ thống ngân hàng đang có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp nên tập trung vào vấn đề tăng vốn. Để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng, các quy định về vốn và tình thanh khoản cần được làm rõ hơn và thực thi nghiêm túc hơn.

 

Ngoài ra, việc cấp tín dụng cho các doannh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ và EU cũng cần được xem xét lại khi các đối tượng kinh tế này đang ít được hệ thống ngân hàng quan tâm.

 

Thứ 4, việc thay đổi chính sách sẽ cần một thời gian nhất định để phát huy tính hiệu quả. Chính phủ các nước cũng cần có thời gian để khôi phục uy tín của mình. Trong thời gian đó, khi vấn đề nợ công vẫn liên tục gia tăng áp lực lên nền kinh tế, chính phủ các nước phải đảm bảo cung cấp khả năng thanh khoản cần thiết cho hệ thống tài chính để giảm thiểu rủi ro lây lan khủng hoảng nợ trên diện rộng.

 

Thứ 5, gánh nặng nợ nần của các quốc gia sẽ khó được bù đắp bởi sự tăng trưởng chậm chạp hay chính sách thắt chặt chi tiêu mềm mỏng. Vấn đề này cần được giải quyết một cách bền vững thông qua việc tái cơ cấu nợ, giảm nợ, chuyển nợ.

 

Thứ 6, ngay cả khi Hy Lạp và các quốc gia khác thuộc Eurozone được giảm nợ đáng kể thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không được phục hồi cho đến khi khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế này quay trở lại. Để làm được điều đó, vấn đề nâng cao vị thế cạnh tranh của các quốc gia này sẽ là yếu tố trọng tâm nhưng sẽ không dễ dàng thực hiện.

 

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng có thể lựa chọn phương án rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và quay trở lại với hệ thống tiền tệ riêng. Khi đó, sự mất giá của đồng nội tệ cũng có thể là một yếu tố cạnh tranh quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trở lại.

 

Mặt khác, việc rời bỏ khu vực đồng tiền chung sẽ khiến các quốc gia này bị thiệt hại lớn về tài sản thế chấp và làm tăng nguy cơ lây lan nợ đối với các quốc gia thành viên còn lại.

 

Thứ 7, các nền kinh tế lớn cần những kế hoạch trung và dài hạn tập trung vào cải cách chất lượng giáo dục, đào tạo việc làm, cải thiện nguồn ngân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nguồn năng lượng có thể tái tạo để nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các nền kinh tế mới nổi. Vấn đề này đang ngày càng trở nên cấp bách khi tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế lớn đang có xu hướng tăng khi động lực phát triển giảm sút.

 

Tóm lại, Nouriel Roubini khẳng định, cách tốt nhất để tránh lặp lại một sai lầm nghiêm trọng như những gì đã diễn ra trong thế kỉ trước là sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc ban hành và thực thi một hệ thống chính sách táo bạo, tích cực.