Liều thứ ba của vắc xin AstraZeneca có thể tăng cường phản ứng miễn dịch

Liều thứ ba của vắc xin AstraZeneca có thể tăng cường phản ứng miễn dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (28/6), các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết rằng liều vắc xin Covid-19 thứ ba do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Phát hiện chỉ ra rằng vắc xin AstraZeneca có thể là một lựa chọn nếu cần đến liều thứ ba để tăng khả năng miễn dịch. Cho đến nay, vắc xin AstraZeneca được chỉ định tiêm hai liều và thường cách nhau từ 4 đến 12 tuần.

Dữ liệu mới được trình bày chi tiết trong một bản thảo in trước đến từ 90 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu ở Anh. Tháng 3 vừa qua, các tình nguyện viên đã được tiêm liều thứ ba trong khoảng 30 tuần sau liều thứ hai.

Các phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy liều vắc xin thứ ba làm tăng mức độ kháng thể đối với virus ở những tình nguyện viên lên cao hơn mức đã thấy một tháng sau liều thứ hai, đây là một dấu hiệu đáng khích lệ rằng liều thứ ba sẽ có khả năng bảo vệ tốt hơn nếu hiệu quả của hai liều trước đó giảm dần theo thời gian.

Giáo sư Andrew Pollard, một nhà nghiên cứu của Oxford cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai: “Chúng tôi có dữ liệu đáng khích lệ trong bản in trước này để cho thấy rằng các chất tăng cường có thể được sử dụng và sẽ có hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch”.

Các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa chắc chắn liệu có cần tiêm các liều tăng cường hay không. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khả năng bảo vệ của các loại vắc xin hàng đầu này sẽ kéo dài ít nhất một năm, nhưng vẫn chưa có bằng chứng để khẳng định.

Nếu liều thứ ba được xem là cần thiết trong những tháng tới, thì khả năng vắc xin có sẵn để đáp ứng có thể bị hạn chế nghiêm trọng, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn đang thiếu nguồn cung cấp đủ để tiêm liều đầu tiên đầu tiên cho những công dân dễ bị tổn thương nhất.

Đầu tháng này, Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) đã thông báo rằng họ đã bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng mới trên những người được tiêm chủng đầy đủ bất kỳ loại vắc xin nào trong số ba loại vắc xin được phép ở Mỹ. Mục đích là kiểm tra xem liệu một liều vắc xin tăng thêm do Moderna sản xuất có làm tăng kháng thể chống lại virus hay không. Kết quả ban đầu dự kiến ​​vào cuối mùa hè này.

Vắc xin AstraZeneca đã giành được quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 80 quốc gia kể từ tháng 12/2020 nhưng không được chấp thuận sử dụng ở Mỹ vì Mỹ đã có đủ liều trong ba loại vắc xin được cấp phép tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, vắc xin AstraZeneca cũng là trụ cột của chương trình Covax nhưng hiện đang gặp khó khăn trong việc cung cấp vắc xin cho các nước nghèo và chiếm hơn 88% số vắc xin được vận chuyển đến các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trong tuần trước.

Tin bài liên quan