Lo ngại áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm

Lo ngại áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 15/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho nhiều xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.

Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản, kéo theo xu hướng liên minh đối đầu, trả đũa giữa các siêu cường. Trong khi đó, Mỹ đã bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao.

Tại Việt Nam, Chính phủ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”; tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ.

Đồng thời, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Vậy nên, dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng GDP vẫn đạt 5,03% trong quý I/2022, và 7,72% trong quý II/2022 - mức tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng nhanh hơn trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do giá nhiên liệu thế giới và tổng cầu tăng mạnh. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức tương đối thấp. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt bằng lãi suất huy động tăng, phổ biến từ 0,1 - 0,2% tại các kỳ hạn, chủ yếu do kỳ vọng lạm phát trong nước tăng và các ngân hàng thương mại thu hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh sau Covid-19.

Lãi suất cho vay tương đối ổn định do cân nhắc của các ngân hàng thương mại trong việc hạn chế tăng lãi suất cho vay; các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán…); và chênh lệch giữa lãi suất cho vay - lãi suất huy động còn đủ lớn.

Bà Minh đánh giá, những kết quả trên một phần quan trọng chính là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời duy trì đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và người dân. Sâu xa hơn, đó là nhờ tư duy hướng tới bảo đảm hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế liền mạch, và sâu rộng.

Dù vậy, 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023, áp lực lạm phát đang trở thành mối đe dọa lên toàn bộ nền kinh tế.

Viện trưởng CIEM cho biết, báo cáo nghiên cứu: “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam" được công bố trước đó đã kiến nghị đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng mà bà Minh nhấn mạnh là ổn định vĩ mô khó có thể tách rời cải cách thể chế kinh tế. Nhìn từ hệ lụy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009, bài học ứng xử với lạm phát vẫn còn nguyên giá trị. Đó là nếu chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu (nới lỏng hay thắt chặt tài khóa - tiền tệ) thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cũng lưu ý, áp lực đối với điều hành lạm phát dự báo sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp, xu hướng đồng USD lên giá và gián đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu. Đặc biệt, tác động tăng giá xăng dầu có thể được phản ánh rõ nét hơn vào giá các hàng hóa khác.

Ý kiến của một số chuyên gia trong hội thảo:

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở 200% nên khi thế giới bất trắc, bất ổn, bất định, thì kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nay vẫn chưa rõ khi nào mới chấm dứt và sẽ có những diễn biến ra sao, trong khi suy thoái đang đe dọa xuất hiện ở một số nền kinh tế nên Việt Nam cần phải theo dõi sát sao.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Cá nhân tôi khi trao đổi với nhiều doanh nghiệp nhận thấy, ít khi nào doanh nghiệp lại quan tâm đến tình hình kinh tế vĩ mô như vậy. Sau hai năm bị bầm dập bởi Covid-19, doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn liên quan đến sản xuất và thị trường, sang năm 2022, doanh nghiệp quan tâm đến các chỉ số lớn của nền kinh tế như lạm phát, tỷ giá - vốn lâu nay cứ nghĩ là mối quan tâm của doanh nghiệp lớn, bộ ngành.

Họ cũng đặt ra câu hỏi như lạm phát tới đây ra sao, ảnh hưởng đến lãi suất ngân hàng thế nào và động thái của Fed…, vì đây là các vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan