Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân quá đông khiến thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khó lường, rủi ro đầu cơ cao.

Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân quá đông khiến thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khó lường, rủi ro đầu cơ cao.

Lời giải cho bài toán nâng hạng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tới hơn 80%, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thể hiện rõ bản chất của thị trường cận biên có tính đầu cơ cao. Để tránh rủi ro đầu cơ, hướng tới nâng hạng thị trường, việc cần làm là nâng cao chất lượng nhà đầu tư, đi đôi với chất lượng hàng hóa.

Nhỏ lẻ nhiều, rủi ro lớn

Nếu như năm 2021, VN-Index là một trong các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 35,7%, thì sang năm 2022, mọi chuyện lại đảo ngược hoàn toàn khi VN-Index nằm trong Top giảm mạnh nhất thế giới khi mất gần 32,8%. Đây cũng là năm chỉ số chính giảm mạnh nhất kể từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, cả các yếu tố bất định của thế giới cũng như các yếu tố trong nước. Trên thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng, đẩy giá hàng hóa, lương thực, năng lượng tăng cao, gây áp lực lạm phát do chi phí đẩy. Điều này đã buộc các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng nhanh và mạnh lãi suất, đồng thời thu hẹp gói định lượng QE.

Động thái này như một cú “thắng gấp”, khiến các thị trường tài chính, hàng hóa chao đảo, trong đó có chứng khoán Việt Nam.Trong nước, chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh và mạnh của Fed đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, buộc Ngân hàng Nhà nước phải 2 lần tăng lãi suất điều hành liên tiếp trong tháng 9 và tháng 10/2022, với tổng mức tăng 2%/năm, gây tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán, cùng với việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những sai phạm của một số doanh nghiệp đã khiến niềm tin bị suy giảm, các doanh nghiệp bất động sản bị “gãy” cả 4 kênh huy động vốn là tín dụng, trái phiếu, từ khách hàng và từ thị trường cổ phiếu. Điều này khiến thị trường bất động sản bị mất thanh khoản, đẩy nhóm cổ phiếu địa ốc lao dốc, với mức giảm trung bình trong năm 2022 gần 50%.

Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh - khi tăng thì tăng phi mã, khi giảm thì giảm quá đà - một phần đến từ yếu tố cơ cấu nhà đầu tư chưa hợp lý khi nhà đầu tư cá nhân quá lớn. Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thể hiện rõ nét bản chất của thị trường cận biên, tức là thị trường có tính đầu cơ cao do tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân quá lớn.

Trong năm 2021, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tới hơn 90% tổng thanh khoản của thị trường. Con số này có giảm về mức 80 - 85% trong năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao, nên rủi ro đầu cơ vẫn lớn.

Nâng chất thị trường

Dù năm 2022, thị trường cổ phiếu giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản, nhưng dòng tiền không rút ra khỏi thị trường chứng khoán, mà tìm kiếm cơ hội ở kênh phái sinh. Cụ thể, trong năm qua, thị trường chứng khoán phái sinh chứng kiến sự tăng trưởng số hợp đồng giao dịch với mức tăng 44% so với năm 2021.

Điểm sáng nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 là sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ giao dịch của khối ngoại trong năm 2022 ghi nhận ở mức 7,41% trên toàn thị trường, trong khi năm 2021 là 6,67%. Theo thống kê của chúng tôi, trong tổng giá trị giao dịch mua ròng của khối ngoại từ giai đoạn tháng 4/2022, dòng vốn ròng của ETF chiếm tới hơn 72% giá trị, đặc biệt là dòng vốn ETF tại khu vực châu Á.

Thị trường chứng khoán trong năm 2023 dự báo còn đối mặt với các khó khăn khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ và châu Âu gần đây đã hạ nhiệt, nên tốc độ tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác có thể sẽ chậm lại. Thậm chí, nếu lạm phát nhanh chóng giảm mạnh trong giai đoạn tới, Fed có thể sẽ “quay xe” chính sách, hướng về mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế, qua đó kích hoạt dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán.

Kịch bản cơ bản với xác suất cao nhất là VN-Index có khả năng hướng về mức cao nhất 1.200 điểm và có thể hạ nhiệt hoặc ít biến động vào thời điểm cuối năm nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm 2023. Về dài hạn, thị trường chứng khoán có dư địa tăng trưởng mạnh trong năm 2024 khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện.

Tuy nhiên, để giảm bớt rủi ro đầu cơ, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường, một trong những yếu tố quan trọng là cần nâng thay đổi cơ cấu nhà đầu tư hợp lý hơn. Theo đó, cần tăng tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt, để duy trì thanh khoản ổn định, cần ưu tiên phát triển sản phẩm ETF.

Theo quan sát của chúng tôi, làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ các quỹ truyền thống sang các quỹ ETF đã tăng cao trong năm qua và tiếp tục tăng cao trong giai đoạn tới. Do đó, việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam có thể được xem là tất yếu và cần thiết để duy trì thanh khoản và giảm rủi ro biến động từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm ETF cũng có thể cải thiện một phần yếu tố hỗ trợ nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi.

Ngoài ra, một lời giải nữa cho bài toán nâng hạng của thị trường là nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm của thị trường tương tự trong khu vực là Thái Lan cho thấy, việc phát hành NVDR có thể là giải pháp trước mắt để cải thiện yếu tố này.

Theo thống kê, giá trị giao dịch của NVDR chiếm tới 21% thanh khoản hàng ngày trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Do đó, việc nhanh chóng cho các doanh nghiệp phát hành NVDR có thể là việc nên ưu tiên trong giai đoạn tới. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp thị trường chứng khoán thêm các hàng hóa chất lượng và nhiều sự lựa chọn, đặc biệt giảm sự ảnh hưởng từ nhóm ngân hàng và bất động sản.

Với nhà đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn thường theo thói quen lướt sóng và đầu tư ít mã trong danh mục của mình, đa phần chỉ có khoảng 1 - 2 mã cổ phiếu, điều này sẽ dẫn đến rủi ro trong việc đầu tư và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, việc đào tạo và cung cấp sản phẩm quản lý tài chính cá nhân có thể là việc làm cần thiết nhằm giúp nhà đầu tư có định hướng tốt hơn trong đầu tư chứng khoán.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh được đánh giá cao, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa phát huy được hoàn toàn vai trò dẫn vốn và giữ nhà đầu tư ở lại. Do đó, việc phát triển thêm nhiều công cụ sản phẩm tài chính và tăng quy mô, chất lượng hàng hóa niêm yết sẽ là điều kiện cần thiết cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Tin bài liên quan