NĐT nên nhìn nhận việc định giá lại tài sản góp vốn liên doanh với ý nghĩa là xác định lại giá trị sổ sách cho DN - Ảnh minh họa: Đức Thanh.

NĐT nên nhìn nhận việc định giá lại tài sản góp vốn liên doanh với ý nghĩa là xác định lại giá trị sổ sách cho DN - Ảnh minh họa: Đức Thanh.

Lợi nhuận từ định giá lại tài sản: Có thông lệ hay không?

(ĐTCK-online) Gần đây, dư luận băn khoăn việc một số công ty định giá lại đất để góp vốn liên doanh nhưng NĐT không biết là công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ việc định giá này trong năm nay hay không.

Để hiểu rõ về vấn đề này, giả định Công ty A có 1 tài sản X đã mua hết 1 USD và Công ty thỏa thuận với đối tác liên doanh là đối tác sẽ góp vào 50 USD để sở hữu 50% Công ty liên doanh. Như vậy có thể tạm nói, tài sản X mang đi liên doanh của Công ty A được bên liên doanh chấp nhận với giá 50 USD nhưng cũng có thể hiểu rằng, bên đối tác chấp nhận bỏ 50 USD vào để sở hữu 50% giá trị lợi ích của liên doanh trong tương lai chứ không hẳn là họ đã chấp nhận tài sản X với giá 50USD. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì hiện tại, việc định giá này có được Công ty A ghi nhận ngay một khoản lợi nhuận là 49 USD hay không? Theo thông lệ kế toán hiện tại thì câu trả lời là KHÔNG. Hiện, không có quy định nào hướng dẫn ghi nhận lợi nhuận hay phân bổ lợi nhuận trong suốt thời hạn liên doanh hay trong một khoảng thời gian nào đó. Vậy thông lệ kế toán hiện tại là gì?

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán ASSC:

 

Theo Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì thu nhập chịu thuế bao gồm các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với tài sản cố định được đánh giá lại khi góp vốn, là chênh lệch giữa giá đánh giá lại trừ đi giá trị còn lại của tài sản cố định và được phân bổ theo số năm còn được trích khấu hao của tài sản cố định tại DN nhận vốn góp. Đối với tài sản cố định được điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN (trừ trường hợp chuyển DNNN thành công ty cổ phần) là phần chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản cố định ghi trên sổ sách kế toán.

 

Như vậy, các khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản nêu trên được hạch toán vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (mức thuế 25% - PV). Quy định về việc khoản thu nhập bất thường này phải chịu thuế cũng được nêu trong Thông tư 8819/BTC/TCT ban hành ngày 29/7/2008.

(i)  Phương pháp kế toán phổ biến nhất là: Công ty A vẫn ghi nhận trên bảng cân đối kế toán khoản đầu tư vào tài sản X này (và sau này là đầu tư vào liên doanh) theo giá gốc là 1USD và hàng năm Công ty A làm báo cáo tài chính hợp nhất với liên doanh theo phương pháp vốn góp (equity method) hay phương pháp phân chia theo tỷ lệ sở hữu 50% (proportionate accounting) theo các chuẩn mực kế toán. Khi thành lập liên doanh, về bản chất giao dịch này chẳng khác gì việc Công ty A hình thành một Công ty con với chính tài sản X 1 USD đó và mang bán 50% vốn trong Công ty con cho đối tác liên doanh với giá 50 USD. Nếu hình dung như vậy thì bản chất của vấn đề được thể hiện rõ hơn. Việc định giá lại về bản chất chỉ là để xác định số tiền mà đối tác cần góp để được chia 50% quyền lợi trong liên doanh mà thôi.

(ii) Có một cách hạch toán khác là, Công ty A định giá lại tài sản X, giả sử là theo giá 50 USD. Khi đó, Công ty A ghi tăng phần chênh lệch 49 USD vào quỹ định giá lại tài sản (revaluation reserve) thuộc vốn chủ sở hữu của DN và không ghi thành lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh.

Trên thực tế, có một vài công ty đã từng ghi nhận lợi nhuận ngay từ giao dịch như thế này, nhưng đó không phải là thông lệ kế toán hiện tại và không phổ biến ở Việt Nam . Thực tế, hầu hết các công ty, hay tổng công ty ở Việt Nam khi mang tài sản đi góp vốn liên doanh trong các năm qua cũng không ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch định giá lại tài sản. Một ví dụ cụ thể là CTCP Viễn thông Saigon Postel (SPT) mang giấy phép CDMA đi góp vốn với SK Telecom của Hàn Quốc, trong đó SK Telecom góp hơn 200 triệu USD để phát triển mạng di động S-fone và quyền lợi sẽ được ăn chia 50:50. Như vậy, tại thời điểm đó có thể nói giấy phép CDMA của SPT được định giá hơn 200 triệu USD, nhưng SPT cũng không ghi nhận lợi nhuận gì từ việc định giá lại tài sản này.

Ở một khía cạnh khác, việc ghi nhận lợi nhuận từ giao dịch góp vốn như thế này có thể làm tăng việc cố ý ghi lợi nhuận thông qua việc góp tài sản để hình thành các công ty con với các đối tác nội bộ và sau đó nghi nhận con số lợi nhuận dựa trên giá trị định giá theo ý muốn của các bên. Ngoài ra, việc ghi nhận lợi nhuận ngay từ chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn liên doanh khiến công ty có thể phải nộp thuế thu nhập doanh nhiệp 25% ngay, như vậy rất bất lợi cho cổ đông khi mà dòng tiền trên thực tế phải rất nhiều năm sau mới thu được từ liên doanh.

Rõ ràng là với những cơ sở trên, NĐT nên nhìn nhận việc định giá lại tài sản góp vốn liên doanh với ý nghĩa là xác định lại giá trị sổ sách cho DN và lợi ích dài hạn cho cổ đông chứ không phải là kỳ vọng để ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn.

Theo Công văn số 8819/BTC-TCT do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ngày 29/7/2008, trả lời một số cục thuế hỏi về chính sách thuế đối với chênh lệch đánh giá lại tài sản điều chuyển, tài sản vốn góp. Khoản chênh lệch giữa giá trị TSCĐ đánh giá lại so với giá trị còn lại của TSCĐ ghi trên sổ kế toán được thực hiện như sau:

 

Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn liên doanh được phân bổ dần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo thời gian sử dụng còn lại của TSCĐ.

Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

 

Theo Thông tư số 130/2008/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26/12/2008 Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Điều 12 Mục V cũng ghi rõ: chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn theo quy định của pháp luật được phân bổ vào thu nhập khác theo số năm còn được trích khấu hao của TSCĐ tại doanh nghiệp nhận vốn góp và là thu nhập chịu thuế.

 

Điều này có nghĩa, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt (doanh nghiệp đang được ưu đãi thuế TNDN) thì chênh lệch do hạch toán lại TSCĐ khi góp vốn liên doanh sẽ được hạch toán theo từng năm (theo khấu hao tài sản) và là thu nhập chịu thuế.