Minh Phú: Dấu hỏi từ ý định hủy niêm yết

Minh Phú: Dấu hỏi từ ý định hủy niêm yết

(ĐTCK) Lý do để cơ cấu lại Công ty còn rất chung chung. Lý do cụ thể là để phát hành cổ phiếu cho NĐT chiến lược với giá cao chưa hợp lý.

Trong tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2012 diễn ra vào ngày 16/5 tới đây, HĐQT MPC dự kiến sẽ trình ĐHCĐ chủ trương “Rút niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM”. Theo tờ trình này, Minh Phú là một công ty đầu ngành thủy sản Việt Nam, nhưng từ khi niêm yết tới nay, giá cổ phiếu của MPC luôn trong xu hướng xuống, thanh khoản thấp kéo dài và không huy động được vốn trên thị trường. Giá giao dịch của cổ phiếu MPC thấp hơn giá trị thực của Công ty. Vì thế, một số nhà đầu tư chiến lược rất khó đầu tư vào Minh Phú vì họ sẽ phải ghi nhận ngay khoản lỗ khi vừa giải ngân vốn. Thực tế, từ khi niêm yết tới nay, Công ty đã thực hiện việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để cùng phát triển, tận dụng những cơ hội mới trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với các lý do như đã nêu ở trên, Công ty không có khả năng tận dụng được các cơ hội từ việc niêm yết, trong khi phải chịu nhiều áp lực và chi phí từ khi trở thành công ty niêm yết. Minh Phú muốn rút niêm yết để tìm kiếm đối tác chiến lược, tái cơ cấu lại Công ty.

Minh Phú: Dấu hỏi từ ý định hủy niêm yết ảnh 1

CP Foods có ý định mua 40% cổ phần của Minh Phú

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã có công văn đính chính bài báo “Vì sao vua tôm chạy khỏi sàn” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong đó giải thích lại nguyên nhân MPC xin hủy niêm yết. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, những lý do này vẫn chưa thật sự thuyết phục.

Trong công văn đính chính bài báo gửi HOSE, MPC nêu thông tin chi tiết hơn: “CP Foods có ý định mua 40% cổ phần của Minh Phú bằng cách mua 30% cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Công ty và 10% từ các cổ đông hiện hữu. Rắc rối phát sinh từ đây khi giá cổ phiếu MPC trên HOSE 3 năm qua dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/cổ phần, cao hơn khá nhiều so với các cổ phiếu ngành thủy sản nhưng chỉ bằng hơn phân nửa giá chào mua của CP Foods. Cổ phiếu MPC ít thanh khoản nhưng tiềm năng nên các cổ đông hiện hữu đều không muốn bán với giá trên thị trường. Nhưng theo quy định tại thời điểm đó, cổ phiếu giao dịch trên sàn chỉ được dao động trong biên độ 5%, nên các cổ đông hiện hữu không thể giao dịch được với giá mà CP Foods đề xuất. Cùng với một số lý do khách quan khác nữa, điều này khiến việc phát hành của Minh Phú không thành công”.

Lý do hủy niêm yết để cơ cấu lại Công ty quả thực còn rất chung chung. Lý do cụ thể là để phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá cao chưa hợp lý. Việc CP Foods mua 30% cổ phần phát hành riêng lẻ của MPC không hề bị hạn chế giá phát hành. Thông thường, các cổ đông chiến lược khi mua tỷ lệ lớn cổ phần phát hành riêng lẻ của một công ty sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá xác định bằng các phương pháp giá trị sổ sách, chỉ số P/E, chiết khấu dòng tiền và tiềm năng của công ty đó. Thị giá cổ phiếu cũng là một yếu tố tham khảo. Trong trường hợp của MPC, thị giá thấp có thể là một bất lợi khi đàm phán nhưng hiếm khi là nguyên nhân chính dẫn đến việc không thể phát hành cho đối tác chiến lược. Nhất là khi CP Foods cũng là một công ty ngành tôm và muốn sở hữu lớn ở MPC. Trên thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ phát hành riêng lẻ với giá cao hơn nhiều thị giá.

Hủy niêm yết để cố đông hiện hữu có thể bán 10% cổ phiếu cho CP Foods với giá gần gấp đôi thị giá lại càng là lý do nhạy cảm. Giám đốc tư vấn phát hành và niêm yết của một công ty chứng khoán phân tích, trong trường hợp này, CP Foods có thể chào mua công khai cổ phiếu MPC với giá càng cao thì càng được ủng hộ. Việc chào mua công khai cổ phiếu đảm bảo quyền bình đẳng giữa các cổ đông trong việc bán cổ phiếu với giá cao hơn giá trên sàn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, khi các cổ đông lớn không thấy lợi ích từ việc niêm yết thì mong muốn rút lui cũng dễ hiểu.

Trên lý thuyết, để thông qua quyết định hủy niêm yết, MPC cần sự chấp thuận của 50% quyền biểu quyết của cổ đông nhỏ (là cổ đông sở hữu dưới 5% cổ phần), hiện chiếm hơn 24% cổ phần của MPC. Giám đốc một công ty chứng khoán phán đoán, khi đưa ra ý định hủy niêm yết, có thể các cổ đông lớn đã có sự chuẩn bị bằng việc để một bên thứ ba làm cổ đông nhỏ mua gom đủ số cổ phần có quyền biểu quyết. Chỉ cần vài cổ đông sở hữu dưới 5% cổ phần biểu quyết là đủ tỷ lệ 50% theo quy định. Thanh khoản của MPC trên sàn rất thấp cho thấy sở hữu cổ phiếu rất tập trung.

Như vậy, nếu MPC được ĐHCĐ chấp thuận hủy niêm yết, vấn đề đặt ra sau đó là để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ còn lại thì Công ty sẽ mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ với giá nào? Giá mua bằng giá trị sổ sách, giá chào bán cho cổ đông chiến lược hay thị giá tại thời điểm chốt danh sách? Việc MPC hủy niêm yết trước khi phát hành cho cổ đông chiến lược, nếu không có các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ, có thể khiến dư luận nghi ngờ việc cổ đông nào đó có khả năng mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ với giá trên sàn, sau đó bán cho cổ đông chiến lược với giá cao.