Trong kế hoạch tái cấu trúc của "ông bố" VNPT, liệu MobiFone và VinaPhone, "con" nào sẽ ra “ở riêng”?

Trong kế hoạch tái cấu trúc của "ông bố" VNPT, liệu MobiFone và VinaPhone, "con" nào sẽ ra “ở riêng”?

MobiFone - VinaPhone: "con" nào sẽ ra “ở riêng”?

Trong tháng 9 này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức trình Chính phủ Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Trong kế hoạch của "ông bố" VNPT, liệu MobiFone và VinaPhone, "con" nào sẽ ra “ở riêng”?

Nhà mạng nào sẽ tách khỏi VNPT?

 

Theo ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi tái cơ cấu, phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành một doanh nghiệp (DN) viễn thông mạnh của quốc gia và bộ phận còn lại vẫn là một tập đoàn mạnh. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì thị trường viễn thông với 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh.

           

Cùng với việc tái cơ cấu VNPT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng điều lệ hoạt động của Tập đoàn và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thành nghị định tổ chức, bộ máy hoạt động của Tập đoàn theo đúng Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông và Luật Cạnh tranh.

 

Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với VNPT sau khi tái cơ cấu sẽ trình luôn Điều lệ Tập đoàn. Dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về tổ chức bộ máy của VNPT.

 

Việc tách MobiFone và VinaPhone khỏi VNPT đã được bàn thảo rất nhiều trong quá trình xây dựng Đề án Tái cấu trúc VNPT. Trước đó, có nhiều phương án được đưa lên bàn cân cùng nhiều đồn đoán về số phận hai nhà mạng này.

 

Trong các buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 4/2013, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cũng đề nghị, trong đề án tái cấu trúc, không giải thể MobiFone và để DN này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hóa công ty theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc tái cấu trúc VNPT và MobiFone phải đảm bảo các yếu tố thị trường, hiệu quả giữa các đơn vị trong Tập đoàn.

 

“Với quy mô hiện nay, MobiFone muốn được độc lập để hạch toán riêng, minh bạch, đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo”, ông Minh nói.

 

Trên thực tế, chủ trương tái cơ cấu VNPT và MobiFone được thống nhất là tái cơ cấu trên nguyên tắc bám Luật Viễn thông, tránh sở hữu chéo và phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo mỗi thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải duy trì ít nhất 3 DN có thị phần tương đồng và Việt Nam phải có 3 - 4 tập đoàn viễn thông lớn.

 

MobiFone và ước vọng được “độc lập”

 

Có nhiều lý do để giới chuyên môn tin rằng, ứng cử viên tách khỏi VNPT là MobiFone. Về mặt pháp luật, Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần trong một DN, thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ Nghị định 25/2011/NĐ-CP đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần” để tránh tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh.

 

Việc MobiFone tách khỏi VNPT mà không phải sáp nhập với VinaPhone đáp ứng đúng và đủ các quy định của Luật Viễn thông, Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn.

 

Về mặt quản trị, trong suốt 20 năm lịch sử của MobiFone, cho dù sống dưới mái nhà VNPT, thì hoạt động của MobiFone vẫn tương đối độc lập. Là “con gà đẻ trứng vàng” cho VNPT, kết quả kinh doanh của MobiFone luôn thuộc hàng khủng, nhưng phần lợi nhuận đó phải san sẻ cho những đơn vị khác trong VNPT.

 

Ngoài ra, MobiFone còn bị bó buộc, không được chủ động thực hiện những chiến lược dài hơi… Vì vậy, nếu không được tự chủ, “con tàu” MobiFone sẽ khó cạnh tranh với các nhà mạng khác.

 

Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, MobiFone đã duy trì mô hình kinh doanh độc lập tự chủ khá tốt so với các đơn vị khác thuộc VNPT, nên nhà mạng này phản ứng nhanh nhạy trong cạnh tranh và đạt được thành công trên thị trường viễn thông.

 

Nhưng trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của MobiFone có vẻ chững lại. Vì vậy, MobiFone cần có chiến lược và giải pháp kinh doanh mở rộng vùng phủ sóng, tạo sức mạnh cạnh tranh với các DN khác.

 

“Nếu không tập trung đầu tư hạ tầng, MobiFone sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Thắng cho biết.

 

Còn quá sớm để khẳng định việc MobiFone sẽ tách khỏi VNPT, bởi tất cả còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, xu thế tái cấu trúc các mạng viễn thông đang diễn ra trên thực tế.

 

Trước đó, mạng EVNTelecom đã sáp nhập vào Viettel, VimpelCom bán 49% cho Gtel và sắp tới, nhiều khả năng là S-Fone. Vì thế, nếu MobiFone có tách khỏi VNPT, thì cũng là điều dễ hiểu.