Không ít NĐT đã phải trả giá đắt cho việc không tìm hiểu kỹ DN trước khi mua cổ phiếu.

Không ít NĐT đã phải trả giá đắt cho việc không tìm hiểu kỹ DN trước khi mua cổ phiếu.

Mỏi mắt chờ tin từ công ty đại chúng

(ĐTCK-online) Theo sát thị trường niêm yết và chứng khoán thế giới, giao dịch trên thị trường chứng khoán tự do (OTC) gần đây diễn ra theo 3 cấp độ: thanh khoản cao nhất tập trung vào một số mã ngân hàng - tài chính có kết quả kinh doanh khả quan; thứ hai là các cổ phiếu “rục rịch” lên sàn; thứ ba là nhóm cổ phiếu có thông tin thường xuyên ra thị trường.

Theo ghi nhận của ĐTCK, hiện việc công bố thông tin của các công ty đại chúng (CTĐC) phần lớn vẫn trông chờ vào sự tự giác của DN.

 

Có sự cải thiện...

Theo quy định về công bố thông tin định kỳ của CTĐC chưa niêm yết tại Thông tư số 38/2007/TT-BTC, đối tượng này không phải công bố báo cáo tài chính quý. Vậy nhưng, một số đơn vị thông qua website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vẫn công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2009. Những DN có quy mô cổ đông lớn thường quan tâm đến công bố thông tin nhiều hơn, như Nhiệt điện Bà Rịa, Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội 22, Xây dựng Thanh niên…

Một cán bộ phụ trách mảng công bố thông tin của UBCK cho biết, so với trước đây, việc công bố thông tin của các CTĐC hiện đã tích cực hơn. Một mặt, DN nhận thấy lợi ích của việc công bố như tạo ra sự minh bạch, từ đó gây dựng niềm tin cho NĐT. Mặt khác, UBCK luôn khuyến khích các công ty tích cực công bố thông qua việc hướng dẫn cụ thể quy trình công bố thông tin. Thông tin được đăng tải trên website của UBCK bao giờ cũng được cơ quan này thẩm tra, có vướng mắc gì thì trao đổi lại với DN sau đó mới đăng tải.

Mặc dù vậy, trong số hơn 600 CTĐC đã đăng ký với UBCK, đến thời điểm này mới chỉ có gần 10 DN công bố báo cáo tài chính quý II. “Nhiều DN niêm yết còn chậm công bố báo cáo tài chính, xin gia hạn thời gian nộp, dù theo quy định là bắt buộc, thì các CTĐC làm tốt hơn sao được”, giám đốc một CTĐC có địa chỉ tại Hà Nội nói.

 

...nhưng chưa đáng kể

“Trước khi phát hành cổ phiếu hay lên sàn, các công ty tích cực trả lời câu hỏi của NĐT hơn, còn sau đó thì thường là im lặng”, đại diện CTCP OTC Việt Nam (đơn vị sở hữu website Sanotc.com) cho biết.

Hiện sàn này đang thực hiện cơ chế truyền thông giữa DN và NĐT như sau: khi NĐT có câu hỏi gửi đến Sanotc.com thì câu hỏi cũng được gửi đến email của đại diện DN. Sau khi DN trả lời, thông tin sẽ được hiển thị trên website, đồng thời với việc gửi tới email của NĐT. Tuy nhiên, mới chỉ có 20 trên tổng số 1.700 DN có mã giao dịch trên Sanotc thực hiện kết nối theo cách này. Đáng lưu ý là những câu hỏi liên quan đến mặt tích cực, tốt cho DN sẽ được trả lời. Những câu hỏi hóc búa, đụng đến “mảng tối” thì DN thường né tránh.

Việc ít công bố thông tin ra bên ngoài, bên cạnh quan điểm lãnh đạo của mỗi DN, còn do DN chưa quan tâm thích đáng cho vấn đề này. Hiện tại, không nhiều DN có người chuyên trách công bố thông tin nên NĐT không biết hỏi ai. Truy cập vào website của DN thì phần lớn thông tin không được cập nhật.

Trong quá trình đầu tư trên thị trường OTC, không ít NĐT đã phải trả giá đắt cho việc không tìm hiểu kỹ DN trước khi mua cổ phiếu. Bản thân các DN hiện tại cũng đang ít nhiều chịu hệ quả từ sự mất lòng tin của NĐT. Cùng với sự ấm lại của thị trường niêm yết, gần đây một số CTĐC đã khởi động lại việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, phần lớn phải phát hành riêng lẻ, việc IPO và phát hành ra công chúng khó thành công.

Theo các môi giới OTC, một đặc điểm đáng chú ý của thị trường OTC giai đoạn này là cổ phiếu sẽ được nhiều NĐT quan tâm nếu DN đó thường xuyên công khai, minh bạch thông tin ra bên ngoài. Không ít NĐT cho rằng, để tăng tính thanh khoản trên thị trường OTC, cơ quan quản lý cần có những quy định buộc CTĐC công khai thông tin nhiều hơn ra công chúng. NĐT mong muốn tiếp cận thông tin của các DN một cách thuận lợi, bởi việc tiếp cận thông tin khó khăn sẽ gây ra những tin đồn và thông tin trái chiều không có lợi cho cả NĐT và DN.