Hãng tin Nikkei 
đã đưa FPT vào danh sách 122 công ty đáng được theo dõi trong khu vực ASEAN

Hãng tin Nikkei đã đưa FPT vào danh sách 122 công ty đáng được theo dõi trong khu vực ASEAN

“Món ăn” đáp ứng nhiều khẩu vị đầu tư

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 9/12/2014, khi VN-Index giảm trên 16 điểm, bà Hương, một nhà đầu tư lớn, bán ra gần hết danh mục đầu tư, chấp nhận cắt lỗ 5 tỷ đồng. Danh mục của bà hầu hết là cổ phiếu dầu khí.

Cú sốc giá dầu và cuộc chiến “vàng đen” trên thế giới khó ngã ngũ khiến bà phải tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.

Tái cơ cấu danh mục

Bà Hương đã gắn bó với chứng khoán cả chục năm, vì thế, từ bỏ cổ phiếu dầu khí song không có nghĩa bà từ bỏ chứng khoán. Xem xét cơ hội mới đồng nghĩa với việc bà phân tán danh mục vào những cổ phiếu ngành khác, có triển vọng hơn. Nguyên tắc bất di bất dịch của nhà đầu tư này là không đánh theo đội lái và lựa chọn cổ phiếu dẫn đầu.

Không giống bà Hương là nhà đầu tư bám sàn, Nguyễn Việt Hải là một tân binh. Lãi suất tiết kiệm xuống quá thấp, hiện chỉ còn 4 - 5%/năm cho các khoản tiền gửi có thể rút linh hoạt. Bất động sản, vàng, ngoại tệ đều không phải là kênh đầu tư hấp dẫn thời điểm này, nên sau 5 năm xa rời chứng khoán, Hải đã quay trở lại. Anh chọn cách khởi động bằng những cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng cao.

Biến động của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây không hẳn là một sự bất lợi cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi. P/E trung bình tính theo giá đóng cửa ngày 15/12/2014 của nhóm cổ phiếu VN30 ở mức 13 lần, giảm mạnh so với mức 15 lần của một tháng trước. Mức này cũng chỉ tương đương với P/E của toàn sàn HOSE và HNX. Điều đó có nghĩa, trên bình diện chung, cổ phiếu lớn đã rẻ hơn so với trước. Theo số liệu của Bloomberg, TTCK Việt Nam có mức định giá tương đối hấp dẫn so với các TTCK trong khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, đây là cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư tài chính bắt đầu tham gia thị trường cũng như cho các nhà đầu tư hiện hữu tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tất nhiên, ngoài yếu tố P/E, nhà đầu tư còn phải săm soi nhiều yếu tố khác, nhất là triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm tới. Đơn cử, mã FPT được nhiều CTCK như VPBS, HSC, BVSC… liên tục khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy khi có cơ hội. Trong 1 năm qua, mức sinh lời của cổ phiếu FPT khá tốt khi giá cổ phiếu này tăng 27% (tính tới ngày 18/12/2014) so với VN-Index tăng gần 5% trong cùng khoảng thời gian. Tuy vậy, sau 1 năm, P/E của FPT cũng như một số mã chứng khoán khác trong VN30 như HPG, DPM, GMD… vẫn ở mức dưới 10 lần, thấp hơn mức P/E bình quân của nhóm cổ phiếu VN30 và toàn thị trường. Tính thanh khoản cổ phiếu FPT cũng được cải thiện mạnh mẽ. Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình cổ phiếu này trong năm 2014 đạt xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu/phiên, cao gấp 3,4 lần mức trung bình trong những năm trước đó. 

Món ngon

Cổ phiếu của những doanh nghiệp dẫn đầu có kết quả kinh doanh tốt năm 2014 và triển vọng năm 2015 cũng như dài hạn đang trở thành “món ăn” phù hợp với nhiều khẩu vị đầu tư. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều tổ chức cũng tích lũy những cổ phiếu này. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư SIC, đơn vị có nhiệm vụ đầu tư linh hoạt trên sàn của SCIC, hay nói một cách nôm na là có chiến lược đầu tư đánh nhanh, đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu FPT từ ngày 25/11 đến 23/12/2014. Trong năm 2014, nhà đầu tư này đã có một đợt lướt sóng gần 1 triệu cổ phiếu FPT và nếu tính giá mua vào - bán ra, họ đã kiếm được lợi nhuận lớn.

Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2014 của FPT khá lạc quan với doanh thu đạt 30.857 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.269 tỷ đồng, EPS đạt 4.323 đồng. Mới đây, Hãng tin Nikkei đã đưa FPT vào danh sách 122 công ty đáng được theo dõi trong khu vực ASEAN. Trong các bài viết về những doanh nghiệp lớn của châu Á, Nikkei đánh giá rất cao hoạt động của FPT khi tham gia đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử, y tế, giáo dục… Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của FPT được tạo ra trên nền tảng bền vững từ sức mạnh nguồn nhân lực và các ngành nghề cốt lõi, chứ không phải dựa trên các khoản thu đột biến như bán tài sản. Vừa qua, FPT cùng với Vinamilk và Viettel được tôn vinh tại giải thưởng Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất và chính sách đào tạo nhân sự tốt nhất cùng với các tập đoàn nước ngoài như Samsung, GE…

Về dài hạn, giới phân tích tại các CTCK đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của FPT với động lực mới: chiến lược toàn cầu hóa. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng, thành tích tăng trưởng cao trong quá khứ của FPT sẽ trở lại thông qua những số liệu thống kê như 11 tháng đầu năm 2014, doanh thu tính bằng nguyên tệ tại thị trường Nhật tăng 34%, Mỹ tăng 38%, EU tăng 87%, APAC tăng 50% và các nước đang phát triển tăng 84%. Con đường M&A đang góp phần đưa cỗ máy FPT tăng tốc. Sau khi mua Công ty IT Slovakia, thành lập FPT Slovakia, tăng trưởng toàn FPT Software trong 11 tháng năm 2014 đạt 37% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, tại thị trường châu Âu, FPT tăng trưởng 87% (nếu không có FPT Slovakia, mức tăng trưởng chỉ đạt 6%).

Tại thị trường trong nước, sự hồi phục của nền kinh tế cũng như yêu cầu mạnh mẽ về tái cơ cấu doanh nghiệp có thể sẽ thúc đẩy chi tiêu, ứng dụng cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu công khi Chính phủ đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh… Việc ứng dụng hệ thống bán vé tàu điện tử của ngành đường sắt là một ví dụ. Trong bối cảnh đó, FPT với kinh nghiệm nhiều năm triển khai các hệ thống hạ tầng thông tin lớn sẽ có lợi thế.

 Cơ hội cho những cổ phiếu kín “room”

Trong năm 2014, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quay lại với TTCK Việt Nam. Trạng thái mua chủ yếu đến từ các quỹ ETFs, cụ thể là Market Vector Vietnam (VNM) và FTSE Việt Nam. Và như thường lệ, các quỹ ETFs này tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu dẫn đầu thị trường với mức độ thanh khoản cao.

Đại diện Red River Holding nhận định, sự cải thiện của kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng, rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống ngân hàng giảm, kết hợp với kết quả kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết khiến nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều hơn đến TTCK Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm trên, trong kế hoạch năm 2015, VinaCapital, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam thông qua việc huy động vốn đầu tư vào các quỹ hiện hữu hoặc lập quỹ mới, bên cạnh số vốn đầu đang quản lý khoảng 1,5 tỷ USD.

Tỷ suất sinh lợi khi đầu tư vào Việt Nam, trong đó tập trung vào những cổ phiếu dẫn đầu, đạt trên 20% trong năm 2014. Đây là mức sinh lợi khá hấp dẫn so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Những doanh nghiệp như FPT luôn kín “room”, bởi vậy nếu tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một công ty Việt Nam được nâng lên mức 60% như các dự thảo đang được Chính phủ xem xét, chắc chắn các cổ phiếu như FPT sẽ được quan tâm, hút vốn và có triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2015.  

Tin bài liên quan