Việc đóng cửa giao dịch cổ phiếu OTC tại một số sàn giao dịch do CTCK mở ra trong năm 2010 góp phần hạn chế giao dịch trên thị trường tự do - Ảnh: Đức Thanh

Việc đóng cửa giao dịch cổ phiếu OTC tại một số sàn giao dịch do CTCK mở ra trong năm 2010 góp phần hạn chế giao dịch trên thị trường tự do - Ảnh: Đức Thanh

Năm 2011, thị trường OTC có còn đất sống?

(ĐTCK-online) Nếu xem thị trường cổ phiếu tự do (OTC) là cầu nối giữa thị trường sơ cấp và thị trường niêm yết, thì có thể nói, năm 2010 là năm "sập cầu". Không chỉ trầm lắng, thị trường OTC ngày càng bị thu hẹp cả về thanh khoản và giá trị.

Hiện chưa có đầu mối nào thống kê giá trị và khối lượng giao dịch trên thị trường OTC, nhưng điều dễ nhận thấy là số cổ phiếu có giao dịch rất ít.

Việc đóng cửa giao dịch cổ phiếu OTC tại một số sàn giao dịch do CTCK mở ra trong năm 2010 góp phần hạn chế giao dịch trên thị trường tự do. Chợ cổ phiếu OTC MB tại Liễu Giai (Hà Nội) tan rã tự nguyện sau khoảng thời gian hai năm hoạt động. Mặc dù cơ quan quản lý chưa "ra tay", nhưng trước một số vụ "nổ" của các môi giới tự do khiến NĐT mất niềm tin. Sau đó, một số CTCK có ý định tổ chức một địa điểm để các môi giới, NĐT trao đổi thông tin mua bán cổ phiếu OTC như PSI, VNDirect, nhưng cũng không tồn tại được lâu.

Bức tranh ảm đạm của thị trường OTC được các chuyên gia dự báo sẽ kéo dài sang năm 2011, cho dù thị trường niêm yết sẽ có khởi sắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô được cải thiện. Điều này do các công ty quyết định niêm yết và đăng ký giao dịch nhiều hơn thay vì "đứng ngoài thị trường". Trong năm qua, đã có 261 cổ phiếu lên niêm yết, trong đó số cổ phiếu niêm yết trên HNX là 102 mã, HOSE là 82 mã.

Thị trường UPCoM ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, nhưng năm 2010 mới chỉ có thêm 87 công ty lên giao dịch (kế hoạch là 200 công ty trong điều kiện Luật Chứng khoán được thực hiện nghiêm). Theo đánh giá của HNX, UPCoM chưa thực sự sôi động là điều tất yếu, do phần lớn công ty đại chúng đều có tính đại chúng thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Năm 2011, HNX đặt mục tiêu đưa 100 - 150 doanh nghiệp vào đăng ký giao dịch và chuyển các doanh nghiệp đủ điều kiện từ UPCoM lên niêm yết.

Trước khi Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ 1/7/2011), pháp luật chưa quy định hoạt động phát hành ra công chúng phải gắn với niêm yết, nên từ năm 2006, các doanh nghiệp đã ồ ạt phát hành cổ phiếu, dẫn đến tình trạng cổ phiếu trong thời gian ngắn lên tới trên 2.000 mã, trong khi lượng cầu có hạn, không kịp hấp thụ.

Trong năm 2010, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã xây dựng phương án đại lý chuyển nhượng cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch tại UPCoM. Theo đó, thông qua các CTCK là đại lý chuyển nhượng, VSD sẽ làm thủ tục sang tên mua bán các cổ phiếu này. Hướng đi này nhằm thúc đẩy giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC.

Cơ quan quản lý có điều kiện triển khai ý tưởng này khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực. Theo đó, nhiều văn bản liên quan đến tổ chức thị trường, sản phẩm mới như nghị định, thông tư hướng dẫn Luật sẽ được sửa đổi, ban hành. Nếu làm được điều này thì để có thị trường giao dịch cổ phiếu OTC, nhiều khả năng cũng phải sang năm 2012 mới có thể đi vào hoạt động.

Ông Hoàng Minh Sơn, Tổng giám đốc CTCP OTC Việt Nam cho rằng, trong khi chưa thu hẹp được ngay thị trường OTC thì vấn đề giám sát việc công bố thông tin của DNB cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Những doanh nghiệp nào đã phát hành cổ phiếu thì phải có trách nhiệm với cổ đông, ít nhất là trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin cần thiết.