NĐT sẵn sàng bơm tiền cho “chúa chổm” Vinacomin

NĐT sẵn sàng bơm tiền cho “chúa chổm” Vinacomin

(ĐTCK) Dù đang nợ 88.000 tỷ đồng và vi phạm các chỉ tiêu cam kết với chủ nợ, nhưng nhiều NĐT vẫn sẵn sàng tiếp tục cho Vinacomin vay tiền.

>> Nợ hơn 81.000 tỷ đồng, Vinacomin vẫn muốn vay thêm hàng nghìn tỷ đồng

>> Vinacomin sắp thoát nộp 100 tỷ đồng thuế  

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang trong một cuộc đàm phán giảm áp lực nợ, sau khi một số chỉ tiêu đánh giá nợ của Tập đoàn đã vượt mức cam kết với các bên cho vay.

Hai trong số các chỉ tiêu đánh giá tình hình vay nợ của Vinacomin đã vượt mức cam kết với các chủ nợ, theo tài liệu Tập đoàn công bố với một nhóm NĐT hồi đầu tháng 9.

Chỉ tiêu tổng giá trị các khoản vay trên EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) hợp nhất của Tập đoàn tính đến thời điểm 31/12/2012 đã cao hơn mức 4:1. Trong khi đó, EBITDA hợp nhất trên chi phí lãi vay hợp nhất ở mức thấp hơn 3,5 lần. Do đó, hai hệ số này đã vượt mức cam kết của 3 hợp đồng vay lớn hiện tại. Tài liệu cũng cho biết, Vinacomin đang đàm phán với các chủ nợ để xin từ bỏ yêu cầu đối với hai chỉ tiêu này.

Kết quả đàm phán có thể dẫn đến việc Vinacomin chấp nhận điều kiện tăng chi phí vốn theo các khoản vay này, hoặc đề xuất mua lại khoản vay trước hạn. Nếu Tập đoàn không thỏa thuận được với các bên cho vay, Vinacomin có thể bị yêu cầu thanh toán trước hạn. Tuy nhiên, tài liệu trên cũng cho biết thêm, thời hạn còn lại của hai trong số ba khoản vay này chỉ khoảng 1 - 2 năm.

Bên cạnh đó, sự kiện này còn khiến Vinacomin có thể bị hạ triển vọng tín nhiệm trong tương lai. Ngày 14/8/2013, Hãng định mức tín nhiệm Moody Investors đã đưa ra đánh giá triển vọng chỉ số tín nhiệm của Vinacomin ở mức B2 - “tiêu cực”.

“Chỉ số tín nhiệm này có thể bị hạ xuống nếu EBITDA của Vinacomin vượt 3,5 - 4 lần”, tài liệu trên cho biết.

 NĐT sẵn sàng bơm tiền cho “chúa chổm” Vinacomin ảnh 1

Trong tổng số 88.000 tỷ đồng nợ của Tập đoàn, có đến 35.000 tỷ đồng sẽ phải trả trong vòng 1 năm tới

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xác nhận việc đàm phán nói trên, đồng thời cho biết rằng, việc đàm phán đang diễn ra theo hướng tích cực và “không có vấn đề gì lớn”. Theo vị này, hiện đã có 2/4 chủ nợ đồng ý từ bỏ yêu cầu với hai chỉ tiêu này, còn hai chủ nợ còn lại đang lấy ý kiến của các bên liên quan.

Lý giải về việc Vinacomin vi phạm các chỉ tiêu cam kết, ông Biên cho biết, các hợp đồng vay trên được lập trong thời kỳ hoạt động thuận lợi, do đó các chỉ tiêu trong hợp đồng vay cũng được lấy ở mức rất cao để Vinacomin đàm phán được lãi suất tốt nhất.

“Hiện nay, những tiêu chí vay đã được mở thoáng hơn, các hợp đồng vay về sau không yêu cầu những tiêu chí này nữa”, ông Biên cho biết. “Hệ số EBITDA không phải là hệ số quan trọng nhất, chỉ tiêu trọng yếu nhất hiện nay đối với Vinacomin vẫn là hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu. Nhà nước cho phép Tập đoàn nợ 3 lần vốn chủ, hiện nay tỷ lệ này mới là 2,5”.

Trong khi Vinacomin vẫn đang đàm phán với chủ nợ, Tập đoàn lại chuẩn bị vay thêm một lượng tiền khá lớn qua thị trường trái phiếu với quy mô dự kiến lên tới 5.000 tỷ đồng. Nếu phát hành hết số trái phiếu này, khoản nợ của Vinacomin sẽ tăng thêm so với con số nợ 88.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2013.

Vinacomin nặng nợ chủ yếu do các dự án “khủng” mà Tập đoàn đang đầu tư dang dở. Trong các dự án đó, Vinacomin đang đầu tư vào dự án Nhôm - Bauxit (tại Lâm Đồng) với số vốn đã đầu tư tổng cộng 16.000 tỷ đồng và cần lượng tiền lớn để đầu tư thêm.

Áp lực lớn hơn nữa khi các khoản nợ của Vinacomin có một khoản lớn là nợ ngắn hạn. Trong tổng số 88.000 tỷ đồng nợ của Tập đoàn, có đến 35.000 tỷ đồng sẽ phải trả trong vòng 1 năm tới, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2013 của Vinacomin.

Bản thân Vinacomin thời gian qua rất nỗ lực để cơ cấu giảm bớt áp lực trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài. Trước đợt phát hành trái phiếu 5 năm đang thực hiện, từ năm ngoái Tập đoàn đã chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, chấp nhận trả lãi suất lên tới 14,5%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên và biên lãi suất 3,6% cho các kỳ thanh toán sau, nhưng chỉ bán được 500 tỷ đồng. Đến tháng 1 năm nay, mặt bằng lãi suất sụt giảm đã giúp Tập đoàn phát hành hết 2.500 tỷ đồng trái phiếu còn lại.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực nợ lớn của Vinacomin, khá nhiều NĐTvẫn sẵn sàng tiếp tục cho tập đoàn nhà nước này vay tiền. Nguồn tin liên quan đến đợt phát hành trái phiếu mới nhất của Vinacomin cho biết, lượng đăng ký mua đã vượt con số 5.000 tỷ đồng chào bán. Dòng doanh thu ổn định từ khai thác than, khoáng sản và các dự án điện của Vinacomin vẫn được cho là điểm hấp dẫn các NĐT.

Áp lực nợ của Vinacomin sau đợt phát hành này có thể không tăng lên mà thậm chí còn giảm xuống, một nguồn tin khác trực tiếp thực hiện vụ phát hành cho biết. Theo nguồn tin trên, số tiền vay kỳ hạn 5 năm này có thể được dùng để trả bớt cho khoản nợ đang đến hạn phải trả.

“Bằng cách đó, đợt phát hành trái phiếu này có thể giúp Vinacomin cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn, tổng mức nợ trong khi đó không đổi”, nguồn tin cho biết.