ĐHCĐ 2016 của TPBank thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2015 vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh

ĐHCĐ 2016 của TPBank thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2015 vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh

Ngân hàng không chia cổ tức, sự thông cảm… bực mình!

(ĐTCK) Vì nhiều lý do, một số nhà băng nói “không” với cổ tức. Các lý do đưa ra đều có lý, cổ đông thông cảm, nhưng không tránh khỏi cảm giác bực mình.

Năm 2015, kết quả kinh doanh của TPBank khá tốt, với tổng tài sản đạt trên 76.200 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2014 và lợi nhuận đạt 626 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Điều này khiến các cổ đông quan tâm chính sách chi trả cổ tức năm nay được Ngân hàng áp dụng như thế nào?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thẳng thắn, Ngân hàng sẽ xem xét việc trả cổ tức sau khi bù hết thặng dư âm vốn chủ sở hữu, trên cơ sở tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, hài hòa với mục tiêu phát triển dài hạn của Ngân hàng. Thực tế, qua các năm, sau thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, cổ phần của các cổ đông đều có giá trị gia tăng, phản ánh qua giá trị sổ sách của Ngân hàng không ngừng tăng, đồng thời thị giá cổ phiếu cũng tăng và tương đối tính thanh khoản.

“Sau hơn 3 năm tự tái cơ cấu, TPBank đã tạo ra hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận, đủ bù đắp toàn bộ lỗ luỹ kế và có lợi nhuận. Việc xử lý xong các gánh nặng tài chính trong quá khứ và đã có tích lũy cho phép TPBank tập trung hơn vào các định hướng chiến lược và phát triển kinh doanh, phấn đấu trở thành ngân hàng hàng đầu trong hệ thống các NHTM Việt Nam”, ông Hưng nói.

Tại ĐHCĐ thường niên 2016 của SHB vừa qua, cổ tức và hình thức chia cổ tức là câu chuyện đầu tiên được cổ đông nêu với lãnh đạo SHB. Sau 2 năm liền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông đề nghị đưa vào nghị quyết Đại hội nội dung trả cổ tức bằng tiền mặt. Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, việc trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt hay cổ phiếu nên để ĐHCĐ năm sau quyết định, sau khi kết thúc năm tài chính.

Trong khi đó, câu chuyện nợ xấu của ngân hàng này là vấn đề không nhỏ khi ngay chính các cổ đông cũng băn khoăn về nợ xấu của VVF khi sáp nhập với SHB, hay việc xử lý nợ xấu của SHB tại Công ty Thuỷ sản Bình An và các chỉ tiêu về an toàn vốn, tín dụng của Ngân hàng nếu các quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành. 

“Trong năm 2015, SHB đã xử lý 4.400 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu hồi tiền mặt bằng nhiều biện pháp đạt 2.100 tỷ đồng, bán cho VAMC 2.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong số nợ đã bán cho VAMC, SHB đã thu hồi, xử lý được gần 1.000 tỷ đồng, nhưng do VAMC chưa tất toán trái phiếu với các ngân hàng nên trái phiếu đặc biệt của VAMC trên bảng cân đối của SHB đến cuối năm 2015 vẫn là gần 7.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho hay.

Về kết quả thu hồi nợ của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ, đây là điểm khá đặc biệt khi trong chưa đầy 3 tháng, từ 1/1/2016 đến 24/3/2016, Công ty đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 3.217 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản bảo đảm…). Lũy kế từ năm 2013 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 26.000 tỷ đồng.

“Mặc dù con số trên rất ấn tượng, nhưng thực tế thu hồi nợ mới chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

Liên quan đến việc các ngân hàng nói “không” với cổ tức, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng: “Mỗi ngân hàng đều có lý do riêng của mình, nhưng ngân hàng cần phải thanh toán các nghĩa vụ cần có như trả nợ bên ngoài, trích lập dự phòng đầy đủ, đồng thời tính đến nguồn vốn cần có để đầu tư phát triển ngân hàng trước mắt cũng như dài hạn, trước khi nghĩ tới chuyện chia cổ tức cho cổ đông”.

Theo bà Dương, các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng kinh doanh đã xác định trước đây. Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng đã xác định rõ phân khúc thị trường của mình. Với những bước đi chiến lược như vậy, các ngân hàng buộc phải hy sinh lợi ích trước mắt vì sự phát triển lâu dài và bền vững. Vì vậy, các ngân hàng cần thiết phải chia sẻ với các cổ đông nhằm nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình củng cố và kiện toàn lại tổ chức, mà rất có thể trong giai đoạn đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nói: “Nên có sự dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa hai bên. Ngân hàng hay nhóm cổ đông lớn cần thấy rằng, quyền lợi của các cổ đông nhỏ phải được tôn trọng, nếu muốn nhận được sự ủng hộ trong các chính sách, bao gồm cả mức chia cổ tức. Và minh bạch trong cung cấp các thông tin, dữ liệu hoạt động, minh bạch trong quản trị ngân hàng chính là điểm dung hòa được lợi ích giữa hai bên”.             

Tin bài liên quan