Ngân hàng lo thanh khoản ngoại tệ

Ngân hàng lo thanh khoản ngoại tệ

(ĐTCK-online) Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ tăng rất nhanh, lãi suất huy động USD cũng đã vượt trần 2%/năm.

Số liệu vừa được NHNN công bố cho thấy, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ trong tháng 7/2011 tiếp tục sụt giảm so với tiền đồng, trong khi dư nợ tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng. Điều này sẽ khiến các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng thanh khoản ngoại tệ vào những tháng tới, tạo áp lực lên cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái khi các hợp đồng tín dụng USD đáo hạn.

Cụ thể, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm 20/7 ước giảm 0,25% so với tháng trước; trong đó tiền gửi bằng VND tăng 0,51%, còn tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,29%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 3,96%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/7 ước giảm 0,19% so với tháng trước; trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,88%, song dư nợ bằng ngoại tệ tiếp tục tăng 1,96%. So với cuối năm trước, dư nợ toàn ngành tăng 7,57%.

Sáu tháng qua, để giữ ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã ban hành một loạt chính sách ổn định thị trường ngoại hối như: điều chỉnh tỷ giá, ban hành Thông tư 07/2011/TT-NHNN quy định chỉ cho vay bằng ngoại tệ đối với những DN tái tạo được ngoại tệ trả nợ; tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi và giảm trần lãi suất đối với tiền gửi USD xuống mức 2%/năm đối với cá nhân và 0,5%/năm với khách hàng tổ chức... Sau những chính sách trên, thị trường ngoại hối đã có chuyển biến tích cực, tỷ giá ổn định dần. Người dân, DN đã bán ngoại tệ cho NHTM, nên trạng thái ngoại tệ của các đơn vị này dần được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng.

Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ vẫn tiếp tục tăng cao vì áp lực lãi suất tiền đồng chưa giảm, DN thích vay ngoại tệ hơn. Mặt khác, do tình hình tỷ giá 5 tháng qua tương đối ổn định, tỷ giá mua bán của các NHTM dao động ở mức 20.500 - 20.620 đồng/USD, nên các DN trở nên tự tin hơn với quyết định vay USD.

Do vậy, NHNN đã yêu cầu các NHTM quan tâm khai thác và sử dụng nguồn ngoại tệ hợp lý, chủ động và có định hướng cho DN chuyển dần gửi và vay sang mua và bán USD, tránh để xảy ra tình trạng khó khăn về nguồn ngoại tệ, tác động đến tỷ giá. Bởi kể từ khi NHNN thực hiện các quy định về tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ và giảm dần trần lãi suất tiền gửi USD, yêu cầu các tập đoàn kinh tế bán ngoại tệ tiền mặt cho NHTM, nguồn vốn huy động bằng USD giảm, trong khi dư nợ cho vay lại tăng.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cuối năm thường tăng cao nên NHNN đề nghị NHTM chủ động bảo đảm nguồn vốn ngoại tệ trong thời gian cuối năm. Tuy nhiên, theo đại diện của một ngân hàng, NHNN cũng cần tính toán lại mức lãi suất trần để vừa đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô vừa khiến các DN chấp nhận được. Nếu hạ lãi suất tiền đồng quá mạnh thì tác động ngược lên tỷ giá, nhưng nếu để chênh lệch giữa lãi suất VND và USD quá lớn thì sẽ có hiện tượng rút USD đồng loạt ra khỏi hệ thống NHTM. Ước tính từ đầu năm đến nay, lượng USD huy động giảm khoảng 10 - 15%.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại TP. HCM cho rằng, các ngân hàng đang đối mặt tình trạng thiếu hụt thanh khoản USD, nên lãi suất cho vay ngoại tệ tăng rất nhanh, lãi suất huy động USD cũng đã vượt trần 2%/năm. Do vậy, nếu không cân đối giữa lãi suất tiền đồng và USD thì sẽ ảnh hưởng đến ổn định tỷ giá. NHNN trong thời gian vừa qua cũng mua vào khoảng 4,5 - 4,8 tỷ USD chủ yếu từ dân cư, DN và NHTM, để tăng dự trữ ngoại hối. Theo vị tổng giám đốc trên, mức lãi suất cho vay mà DN có thể chấp nhận được tối đa vào khoảng 18%/năm. Nếu trên 18%/năm, các DN sẽ không đi vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh nữa mà chuyển sang gửi tiền để ăn lãi suất cao.

Còn theo Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước, tuy dư nợ cho vay ngoại tệ của Ngân hàng 6 tháng qua tăng trên 12% (dư nợ tín dụng ngoại tệ chiếm khoảng 28% trong tổng dư nợ cho vay của Eximbank), nhưng điều này cũng không đáng phải quá lo ngại. Bởi từ nay đến cuối năm 2011, dư nợ tín dụng ngoại tệ của Eximbank sẽ giảm khoảng 480 triệu USD, do các DN xuất khẩu phải trả nợ vay khi hợp đồng tín dụng USD đến hạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Eximbank giảm dần cho vay ngoại tệ, mà ngược lại, Ngân hàng vẫn tiếp tục đáp ứng nhu cầu USD của những khách hàng đủ điều kiện.

Cũng theo đánh giá của ông Phước, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng trưởng như hiện nay là bình thường, nhưng bất thường ở cách định hướng thông tin dễ gây hiểu lầm. Hầu hết các dự báo đều nhận định, khả năng trong thời gian từ nay đến cuối năm 2011, tỷ giá sẽ tiếp tục xu hướng ổn định. Tuy nhiên, theo ông Phước, các DN không nên ảo tưởng về sự ổn định một chiều của tỷ giá. Vì nếu nhập siêu tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm thì áp lực lên tỷ giá là không nhỏ. Mặt khác, các vấn đề liên quan đến tín dụng ngoại tệ cao như hiện nay đều xuất phát từ tỷ giá và lãi suất tiền đồng cao. Do đó, nếu NHNN không có biện pháp điều chỉnh chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng, cũng như kiểm soát chặt hơn tín dụng USD, thì sẽ khó tránh được áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm.