Ngân hàng ngoại phá rào lãi suất?

(ĐTCK-online) Thời gian qua, nhiều ngân hàng cạnh tranh trên thị trường bằng cách lách trần lãi suất huy động vốn sau khi đồng thuận mức trần 12%/năm đã khiến các ngân hàng khác đứng ngồi không yên. Tuần trước, trên thị trường xuất hiện tin đồn về việc các chi nhánh ngân hàng ngoại phá rào lãi suất và qua tìm hiểu của ĐTCK, việc này là có thực. Các ngân hàng trong nước cho rằng, khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài huy động vốn với lãi suất cao hơn mức trần thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên bỏ trần lãi suất với các NHTM nội địa.

Không sai luật?


Trả lời phỏng vấn ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng ngoại tại Việt Nam khẳng định, ngân hàng của ông vẫn huy động vốn với các mức lãi suất không vượt quá trần 12%/năm. Tuy nhiên, theo cách hiểu của vị lãnh đạo này, trần lãi suất 12%/năm theo Công điện 02/CĐ-NHNN của NHNN ngày 26/2/2008 đã bị bãi bỏ sau khi Thủ tướng tuyên bố không duy trì trần lãi suất. Như vậy, lãi suất trần chỉ được áp dụng đối với các ngân hàng là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng theo đồng thuận.

Mặc dù vậy, khi trao đổi với một nhân viên thuộc bộ phận dịch vụ khách hàng của ngân hàng trên với tư cách một khách hàng, nhân viên này cho biết, ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất lên tới 13,97% cho các khoản tiền gửi trị giá trên 200 triệu đồng với kỳ hạn 1 tháng.

Bình luận sự kiện này, lãnh đạo một NHTM nhà nước nhận định, Công điện 02 của NHNN quy định trần lãi suất 12%/năm được hiểu là áp dụng cho tất cả các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, dù Thủ tướng đã có chỉ đạo không duy trì trần lãi suất, nhưng NHNN chưa có văn bản nào bãi bỏ hiệu lực của Công điện 02, do đó, các NHTM vẫn phải áp dụng trần lãi suất 12%/năm.

Như vậy, ở đây có sự hiểu khác nhau về tinh thần của Công điện 02. Trao đổi vấn đề này với ĐTCK, một quan chức thuộc NHNN thừa nhận, Công điện 02 của NHNN chỉ áp dụng cho các NHTM trong nước mà “bỏ qua” các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do đó, về lý, khó có thể nói rằng, các ngân hàng ngoại vi phạm pháp luật.

Trên thực tế, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo về vấn đề trần lãi suất, Chính phủ đã có phiên họp trao đổi với Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia và NHNN. Theo một thành viên Hội đồng, qua trao đổi, Thủ tướng vẫn giữ nguyên quan điểm không duy trì trần lãi suất.

Trần lãi suất sắp hết hạn

Cũng theo lãnh đạo NHTM nhà nước trên, trong vài ngày qua, đã xảy ra hiện tượng khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng này với số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng và không loại trừ khả năng các khách hàng rút tiền do mức lãi suất hấp dẫn của các chi nhánh ngân hàng ngoại.

“Hiện tại, gần như tất cả các ngân hàng đều có cách lách trần lãi suất và việc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tìm cách huy động vốn với lãi suất cao hơn cũng là một phản ứng bình thường. Như vậy, giữ trần lãi suất để làm gì khi trần lãi suất chỉ là hữu danh vô thực”, vị lãnh đạo này nói.

Theo một nguồn tin từ NHNN, việc duy trì mức trần lãi suất 12%/năm hiện nay không còn hợp lý và có thể trong thời gian tới, NHNN sẽ bãi bỏ quy định này. “NHNN đang nghiên cứu các biện pháp quản lý nhằm ổn định thị trường trong trường hợp không duy trì trần lãi suất”, một quan chức NHNN cho biết.

Có ý kiến cho rằng, NHNN vẫn nên duy trì trần lãi suất nhằm tránh xảy ra một cuộc chạy đua tăng lãi suất như hồi tháng 2 vừa qua, có thể dẫn tới sự mất ổn định hệ thống, nhưng theo ý kiến chung, lãi suất nên để cho thị trường quyết định, bất cứ sự can thiệp hành chính nào cũng sẽ khiến lãi suất thị trường bị bóp méo.

Bên cạnh đó, việc duy trì trần lãi suất sẽ khiến các ngân hàng nhỏ bị thiệt thòi trong việc huy động vốn do không thể tăng lãi suất huy động cao hơn các ngân hàng lớn. Khi đó, việc một số ngân hàng phải lách trần lãi suất huy động cũng là điều dễ hiểu.