Hệ thống nhà thuốc Long Châu đang là câu chuyện riêng hấp dẫn của FPT Retail.

Hệ thống nhà thuốc Long Châu đang là câu chuyện riêng hấp dẫn của FPT Retail.

Ngành bán lẻ viết câu chuyện riêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cổ phiếu đầu ngành bán lẻ đang cho thấy sức đề kháng tốt trong bối cảnh thị trường chung đi xuống nhờ những câu chuyện riêng.

Doanh nghiệp tự tin

Trước việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải rút khỏi thị trường giai đoạn trước, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, phần lớn các công ty này có quy mô nhỏ, bị ảnh hưởng bởi sự giãn cách xã hội nhiều hơn so với các công ty quy mô lớn. Do đó, các nhà bán lẻ quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết sẽ phục hồi nhanh hơn và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022.

Báo cáo phân tích của VNDIRECT cũng chỉ ra những động lực tăng trưởng chính cho ngành bán lẻ trong năm 2022, đến từ bán hàng đa kênh và trực tuyến; nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại thông minh chính hãng cao cấp và các sản phẩm làm việc tại nhà và chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch.

“Các công ty đang hoạt động và áp dụng chiến lược theo xu hướng trên sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới”, báo cáo nêu rõ và chỉ ra 3 cổ phiếu tiềm năng, đó là MWG, PNJ và VRE.

Đại diện nhiều đơn vị bán lẻ lớn trên thị trường như AEON Việt Nam, MM Mega Market Việt Nam, Central Retail, FPT Retail đều khẳng định đã và đang theo đuổi các chiến lược bán hàng đa kênh, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải tạo điểm bán để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Đại diện Công ty cổ phần Bán lẻ FPT (FPT Retail, mã FRT) cho biết, động lực tăng trưởng năm 2022 của hãng này sẽ đến từ việc nâng cao hiệu quả kinh doanh trên mỗi cửa hàng thông qua việc cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ mới như thiết bị thông minh Xiaomi, Garmin, dịch vụ SIM số…

Công ty cũng dự kiến mở thêm nhiều trung tâm laptop, mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu, gia tăng độ phủ ra toàn quốc. FPT Retail cũng tập trung xây dựng năng lực hậu cần logistics, làm giàu thêm danh mục sản phẩm, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ quản lý và chuyên môn để tăng hiệu quả hoạt động.

“Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, các doanh nghiệp phải luôn cập nhật và theo sát diễn biến thị trường để có thể ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống và cũng chuẩn bị các kế hoạch về kinh doanh, hàng hoá trong từng tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số để có thể thích ứng nhanh và hoạt động an toàn trong bối cảnh dịch bệnh”, đại diện FRT cho biết thêm.

Đánh giá về tiềm năng thị trường bán lẻ, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho rằng, trong 5 - 10 năm tới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng, với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm).

GDP tăng mạnh, tầng lớp trung lưu “phình to” nhanh chóng, tỷ lệ kênh phân phối hiện đại cũng sẽ đạt mức 50% vào năm 2030 (hiện tại là 10%), thương mại điện tử tăng trưởng cao, ở mức khoảng 24%/năm… Tất cả những điều này mang đến cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ như AEON.

Về kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam như đã công bố trước đây, ông Furusawa Yasuyuki cho biết, với định hướng tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển tại thị trường Việt Nam, việc trở thành công ty niêm yết được xác định là một trong các mục tiêu dài hạn của AEON. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện ngay trong năm 2022.

Thực tế, trên thị trường có rất ít doanh nghiệp ngoại niêm yết, vì vậy, AEON Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý và cần thêm thời gian chuẩn bị để triển khai kế hoạch trên.

“Chúng tôi không xem đây đơn thuần chỉ là công cụ để huy động vốn, mà với việc niêm yết, AEON kỳ vọng sẽ trở thành một công ty thuần Việt Nam, phục vụ người Việt Nam. Khi đó, AEON sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ như một công ty nội địa và điều này rất ý nghĩa với chúng tôi”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Cổ phiếu đầu ngành sáng cửa

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE cho rằng, giãn cách xã hội chấm dứt và dịch bệnh dần qua đi là giai đoạn ngành bán lẻ kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ do sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại. Điều này có thể thấy rõ qua doanh số bán lẻ 2 tháng cuối năm 2021 và quý I/2022.

Tuy nhiên, theo bà Linh, giai đoạn khó khăn trước để lại hậu quả đối với ngành bán lẻ, những doanh nghiệp nhỏ và yếu kém trong chuỗi phân phối, nhất là kênh phân phối trực tuyến có khả năng biến mất và nhường lại thị phần cho các doanh nghiệp mạnh về phân phối qua kênh số.

Vì vậy, ý tưởng đầu tư ở nhóm ngành này nên tập trung ở cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, sở hữu kênh phân phân phối dạng, hiện đại.

Bà Linh khuyến nghị, nhà đầu tư có thể dựa vào những chỉ báo chủ yếu sau để theo dõi doanh nghiệp, cổ phiếu: số lượng tăng trưởng cửa hàng/điểm phân phối; kênh bán hàng đa dạng nhất là mạnh về kênh bán hàng trực tuyến; loại hàng hóa doanh nghiệp phân phối: sức mua sẽ tập trung ở điện thoại thông minh, thiết bị điện tử làm việc tại nhà; hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối theo mô hình chuỗi và hiện đại, thuốc/dược phẩm…

Còn theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cho rằng, thời gian gần đây, các cổ phiếu bán lẻ phần lớn đều tăng giá tốt, điển hình như MWG, FRT…

Điều này xuất phát từ mấy nguyên nhân: vì bản thân các công ty MWG, FRT có sự thay đổi lớn về chất lượng kinh doanh.

Với MWG là việc bán bớt cổ phần hệ thống Bách Hóa Xanh để tái cơ cấu, thay đổi hành vi tiêu dùng, hành vi mua sắm của người Việt. Bên cạnh đó, MWG liên kết với đối tác Indonesia để mở rộng thị trường bán lẻ, kế hoạch táo bạo này sẽ là động lực tăng trưởng cho MWG trong tương lai.

Với FPT Retail thì hệ thống nhà thuốc Long Châu là câu chuyện riêng hấp dẫn. Tuy vậy, theo ông Kiên, hai cổ phiếu đầu ngành này tăng giá không đồng nghĩa với việc cổ phiếu cả ngành sẽ lên theo, nhưng nhìn chung triển vọng ngành là khá tích cực.

Theo báo cáo phân tích của DNSE, kết thúc quý I/2022, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 5,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 3, hoạt động thương mại và dịch vụ khá sôi động, ước đạt 438.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Qua số liệu thì xu hướng hồi phục của ngành bán lẻ đang trong giai đoạn quay trở lại với tăng trưởng nhích dần lên từ quý 1, các quý tiếp theo đà tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn nhờ sự quay trở lại của ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải hàng không…. sẽ kéo theo sự bứt tốc về doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng hai con số.

Cổ phiếu ngành bán lẻ cũng đang phản chiếu kỳ vọng của thị trường từ cuối năm ngoái cho đến nay. Nhóm ngành đang cho thấy sức khỏe vượt trội so với chỉ số VN-Index. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp chỉnh để tích lũy cổ phiếu nhóm ngành này và duy trì danh mục đến hết năm.

Tin bài liên quan