Gia tăng hiệu quả hoạt động không những người lao động được thụ hưởng, mà quyền lợi cổ đông cũng được bảo đảm

Gia tăng hiệu quả hoạt động không những người lao động được thụ hưởng, mà quyền lợi cổ đông cũng được bảo đảm

Đề cao sự hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần cao điểm nhất mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) tháng 4/2025 đã trôi qua, với dấu ấn nổi bật ở việc các doanh nghiệp tập trung vào hiệu quả trong hoạt động và đầu tư.

Lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông là trọng tâm

Tưởng như mảng đầu tư công là quả ngọt, song phân tích báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp, không ít nhà đầu tư bật ngửa bởi biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 3 - 5%, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.

Tại ĐHCĐ của Vinaconex (mã VCG), khi cổ đông chất vấn về vấn đề này, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết, doanh nghiệp hiện là công ty cổ phần niêm yết, không còn vốn nhà nước từ cuối tháng 12/2018, tức là hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, lấy lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông làm trọng tâm. Với lĩnh vực xây lắp, biên lợi nhuận ròng từ 3 - 5% đã là tốt. Trên thực tế, ngành xây lắp gặp rất nhiều khó khăn, từ yếu tố thời tiết, giá vật liệu đầu vào, nhân công, thiết bị, cho đến áp lực tiến độ - đặc biệt là với các công trình đầu tư công. Giá nguyên vật liệu tăng, nhưng thanh toán lại theo đơn giá và định mức dự toán được duyệt từ trước (có thể điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng, nhưng rất hạn chế).

Vinaconex nhận các dự án, nhưng quản trị rủi ro chặt chẽ. Không thể cứ thấy gói thầu lớn là nhận bằng được, rồi sau đó dòng tiền không thu được, trong khi phải trả lãi vay ngân hàng.

“Chúng tôi ưu tiên làm dự án nào chắc chắn, thu được tiền, kiểm soát được tiến độ và pháp lý”, ông Đông nói và khẳng định, với các dự án đầu tư công, Vinaconex sẽ tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo hiệu quả, khả năng thu hồi vốn, không chạy theo doanh thu đột biến.

“Xây lắp lãi thấp sao Công ty vẫn làm?”, đây cũng là câu hỏi cổ đông đặt ra tại ĐHCĐ của Công ty cổ phần Đạt Phương (mã DPG). Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đạt Phương thừa nhận, với lĩnh vực này, lỗ thì dễ, lãi thì khó. Có bề dày năng lực quản lý dự án và đội ngũ nhân sự tinh nghề, Đạt Phương mới có thể tổ chức thi công dự án đảm bảo tiến độ, quản lý chặt chẽ chi phí để có lợi nhuận. Đây là lĩnh vực lõi của doanh nghiệp nên Công ty vẫn phải tập trung. Ngay trong quý I năm nay, Công ty đã đấu thầu với giá trị khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đủ công việc cho cả năm, nhưng kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án mới. Riêng dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Đạt Phương cũng đã chuẩn bị năng lực để sẵn sàng tham gia.

Xây lắp không hẳn “ngon ăn”, nhưng có dòng tiền “tươi” cho doanh nghiệp và là đôi cánh giúp doanh nghiệp mở rộng sang các mảng đầu tư khác có hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, với Vinaconex là các dự án bất động sản, đầu tư tài chính vào ngành năng lượng, giáo dục… Tương tự, với Đạt Phương là dự án bất động sản, đầu tư nhà máy kính trên nền mỏ nguyên liệu lớn ở các địa phương miền Trung…

Trong ngành ngân hàng, mục tiêu về hiệu quả cũng được tái khẳng định ở nhiều cuộc họp ĐHCĐ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho hay, mục tiêu chiến lược của SHB là trở thành ngân hàng số một về hiệu quả và là ngân hàng công nghệ được yêu thích nhất. Ngân hàng đã có sự chuẩn bị nên sẽ sớm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện ích, khác biệt, thu hút khách hàng và hỗ trợ chuyên viên ra quyết định nhanh chóng.

Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng SHB có thể ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, nhờ tệp khách hàng lớn, hệ sinh thái chuỗi cung ứng và nhu cầu tín dụng đang lên.

SHB sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ cho phát triển ổn định và bền vững.

Tập trung cho tăng trưởng, song Ngân hàng cũng ưu tiên quản trị rủi ro.

“Chúng tôi đang tập trung quyết liệt vào việc xử lý, thu hồi nợ xấu và nợ quá hạn. Đây là mục tiêu quan trọng không kém gì phát triển kinh doanh”, ông Hiển chia sẻ.

Bên lề ĐHCĐ MBS (công ty con của MB), khi được hỏi luận điểm để đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng cao (40%) trong năm 2025, lãnh đạo công ty chứng khoán này cho biết, đó là quan điểm được nhất quán trong toàn hệ thống MB.

Tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số để tối ưu chi phí

Tại ĐHCĐ thường niên 2025 của ABBank, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Văn Tiền cho biết, Ngân hàng mạnh dạn tinh gọn bộ máy đến 30 - 40%.

“Không để bộ máy cồng kềnh vì trong bối cảnh số hóa, một người phải làm việc như 100 người”, ông Tiền trao đổi với các cổ đông và thẳng thắn nhìn nhận: “Tinh gọn bộ máy là nhìn thẳng vào mô hình tổ chức hiện hữu đã lạc hậu, có tính chất bảo thủ, bao che dẫn đến hiệu quả không cao, đông mà không mạnh”.

Ông Tiền cho hay, ABBank sẽ thu gọn số lượng đầu mối tại hội sở, tăng cường trách nhiệm giám sát của các bộ phận vận hành và hỗ trợ. Việc đánh giá, đãi ngộ nhân sự sẽ gắn chặt với kết quả kinh doanh thực tế, đảm bảo công bằng và khuyến khích đóng góp hiệu quả. Ngân hàng sẽ rà soát, tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống, bố trí lại nguồn lực phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ABBank tăng 58% so với năm 2023, đạt 809 tỷ đồng, nhưng mới chỉ hoàn thành 81% kế hoạch. Kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng khiến lãnh đạo Ngân hàng nhìn nhận được nhiều điểm hạn chế trong quá trình điều hành, phần nào cho thấy hệ thống còn cồng kềnh, chồng chéo, tốn nhiều chi phí. Bởi vậy, việc tinh gọn có hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, đến cuối năm 2024, ABBank có 4.357 nhân sự, giảm 71 người, trong đó ngân hàng mẹ có 3.709 nhân sự, giảm 51 người so với cuối năm 2023.

Một doanh nghiệp có bề dày hoạt động gần 60 năm thuộc lĩnh vực phòng thủ (dược phẩm) là Traphaco (mã TRA) cũng mạnh tay tái cấu trúc bộ máy. Từ năm nay, Công ty thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý kênh OTC, trao quyền chủ động cho các chi nhánh cấp 1, tinh gọn cấp quản lý trung gian, kết hợp triển khai trung tâm đơn hàng, nhằm nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành.

Trung tâm đơn hàng của Traphaco đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận và xử lý các yêu cầu mua hàng, chốt đơn hàng tự động, tinh giản vị trí kế toán bán hàng. Hệ thống logistics chuyên trách chuẩn hóa quy trình giao hàng, giảm thiểu các khâu trung gian không cần thiết và tăng cường khả năng kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo sản phẩm đến tay đối tác một cách nhanh chóng và an toàn.

Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc ngành thâm dụng lao động là dệt may như Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) buộc phải tính tới sự hiệu quả bằng cách tự động hoá, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, Công ty hiện có 18.000 công nhân, dự kiến sẽ đầu tư thêm 10 chuyền may trong năm nay và tuyển dụng thêm 1.000 công nhân. Sau đó, doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng thêm nữa, mà đẩy mạnh ứng dụng robot, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để gia tăng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tăng hiệu quả, tối ưu chi phí.

“So với năm 2024, TNG tập trung vào dòng hàng khó, khác biệt hơn, có đơn giá cao hơn”, lãnh đạo TNG chia sẻ.

Gia tăng hiệu quả hoạt động không những người lao động được thụ hưởng (lương bình quân tại TNG tăng từ 9,5 triệu đồng/tháng lên 10,5 triệu đồng/tháng) mà quyền lợi cổ đông cũng được bảo đảm. Ông Thời cam kết, doanh nghiệp sẽ duy trì chính sách chi trả cổ tức 16 - 20%/năm bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Lọc cơ hội qua các cuộc họp ĐHCĐ

Ghi nhận từ các ĐHCĐ năm nay cho thấy, không ít doanh nghiệp có số lượng cổ đông tham dự kỷ lục như Hoà Phát, FPT, SHB… Một số nhà đầu tư lớn tuổi, với mái tóc bạc phơ, có mặt ở ĐHCĐ FPT chia sẻ, họ để tiền tích luỹ vào cổ phiếu doanh nghiệp và coi đây là một kênh cất trữ tài sản, không quá lo lắng về biến động giá cổ phiếu hàng ngày.

Nhiều bạn trẻ gen Z cũng chọn cách để tiền tích lũy vào cổ phiếu. Chẳng hạn, Trung, nhà đầu tư sinh năm 1997 cho biết, cuối năm 2023 đáo hạn món tiền gửi tiết kiệm, anh đã rút ra toàn bộ mua cổ phiếu FPT và nắm giữ từ đó đến nay.

Đầu tư lớn hơn và “lỳ” hơn là phong cách của nhà đầu tư tên Duy, sinh năm 1987. Duy nghiên cứu rất kỹ doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin, không chỉ qua báo cáo hoặc các công bố theo quy định. Anh từng mua 100.000 cổ phiếu NTL của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm ở mức giá 16.000 đồng/cổ phiếu, khi giá lên tới 40.000 đồng/cổ phiếu vẫn không bán, mà quyết định chờ “điểm rơi” lợi nhuận của doanh nghiệp ở dự án Khu đô thị Bãi Muối (Quảng Ninh). Khi thị trường chứng khoán giảm mạnh giai đoạn cuối năm 2022 do tác động bởi vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và lãi suất tăng vọt khiến giá cổ phiếu NTL rớt về 16.000 đồng/cổ phiếu, anh Duy mua thêm 200.000 cổ phiếu và chờ đến khi giá cổ phiếu vượt ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu nhờ doanh nghiệp bán thành công toàn bộ sản phẩm tại dự án Bãi Muối mới hiện thực hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư này tham dự ĐHCĐ một số doanh nghiệp gần đây để tìm kiếm cơ hội mua lớn, với quan niệm “khi hiểu rõ về doanh nghiệp, cổ đông mới có thể cầm lỳ và cầm nhiều”.

Tại ĐHCĐ SHB, có những nhà đầu tư sở hữu hàng triệu cổ phiếu, mua từ khi giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, đến nay lãi gần 40% tính cả cổ tức, nhưng chưa bán. Có cả những bạn trẻ là sinh viên năm cuối mua vài ngàn cổ phiếu bằng tiền tiết kiệm và nắm giữ từ tháng 12/2024 tới nay.

Sự hiểu biết và tính chủ động của các cổ đông nhỏ đã góp phần gia tăng chất lượng hoạt động doanh nghiệp và hiệu quả đầu tư. Sau phần tranh luận kéo dài hàng giờ, Ban chủ toạ ĐHCĐ Công ty cổ phần Máy Thiết bị Dầu khí (mã PVM) đã phải hội ý, xin ý kiến cổ đông lớn trước đề xuất tăng tỷ lệ cổ tức của cổ đông nhỏ. Theo đó, từ mức 5% ban đầu, đại hội đã biểu quyết thông qua tỷ lệ cổ tức 6% bằng tiền mặt. Con số tuy nhỏ, nhưng chứng minh một thực tế rằng, cổ đông nên bản lĩnh và có quyền chất vấn, xới xáo mọi hoạt động của doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng chính là hướng tới sự hiệu quả của các bên.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dat Xanh Services (mã DXS)
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dat Xanh Services (mã DXS)

Kể từ năm 2025, Dat Xanh Services đã chuyển đổi mô hình từ công ty dịch vụ sang nhà phát triển dự án và dịch vụ đa ngành. Sở hữu hệ sinh thái bất động sản khép kín, Công ty có lợi thế kiểm soát toàn bộ các khâu trong quá trình phát triển dự án, trực tiếp tham gia vào toàn bộ vòng đời của một dự án bất động sản và cung cấp giải pháp phát triển dự án toàn diện cho chủ đầu tư - chủ đất.

Trên cơ sở này, doanh thu mảng dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng Công ty sẽ tham gia sâu hơn với chủ đầu tư. Doanh nghiệp không tham gia đồng chủ đầu tư, mà chỉ hợp tác với chủ đầu tư để hoàn thành dự án, qua đó chủ động được nguồn sản phẩm.

Năm 2025, Dat Xanh Services đặt kế hoạch tăng trưởng vượt trội, với mục tiêu đạt doanh thu 5.156 tỷ đồng, gấp 2 lần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 412 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm 2024.

Kế hoạch này dựa trên nhận định thị trường bất động sản đã đi qua vùng đáy và tâm lý người mua chuyển dần từ quan sát thận trọng sang việc lựa chọn ngay các sản phẩm được đánh giá đủ điều kiện pháp lý, có thanh khoản tốt. Sức cầu năm 2025 dự báo cải thiện khá hơn, sức mua tập trung chính tại các thị trường “dẫn sóng” là các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và một số thị trường “theo sóng” là đô thị vệ tinh của các tỉnh, thành phố “dẫn sóng”.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland (mã NVL)
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland (mã NVL)

Chiến lược mới của Novaland là mở thêm phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Chiến lược này không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng sẽ bền vững, vì có dòng tiền ổn định, nhất là khi thực hiện theo chiến lược phát triển của quốc gia. Chú trọng hài hòa ba lợi ích - doanh nghiệp, khách hàng, quốc gia - Novaland không chỉ tái cấu trúc để tồn tại, mà để bứt phá, đưa doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới, hòa nhập với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số của quốc gia, nâng tầm vị thế trong khu vực.

Novaland đang xin chủ trương chuyển đổi khu cảng Phú Định (quận 8, TP.HCM) quy mô gần 50 ha, khu Quán tre (quận 12, TP.HCM) quy mô gần 10 ha sang nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Tập đoàn cũng xác định, 2025 là năm bản lề để củng cố nền tảng hoạt động, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mạnh sau tái cấu trúc, theo đó năm nay sẽ tập trung vào các mục tiêu trọng yếu gồm: khơi thông pháp lý, đẩy mạnh xây dựng và tối ưu dòng tiền; kiện toàn quản trị, điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu suất và từng bước triển khai tiêu chuẩn ESG.

Năm 2025, Novaland đặt ra hai phương án kinh doanh với doanh thu dự kiến tăng 15 - 48%, nhưng lợi nhuận âm: phương án 1, doanh thu thuần 13.411 tỷ đồng, lỗ sau thuế 12 tỷ đồng; phương án 2, doanh thu thuần 10.453 tỷ đồng, lỗ sau thuế 688 tỷ đồng. Kế hoạch này thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào thực tế của Novaland để cân bằng giữa mục tiêu phục hồi và đảm bảo quyền lợi cổ đông, trái chủ.

Tin bài liên quan