Ngành cơ khí: 10 năm phát triển vẫn… ì ạch

Ngành cơ khí: 10 năm phát triển vẫn… ì ạch

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển ngành cơ khí giai đoạn 2002 - 2012, kết quả đạt được là, năm 2012, cơ khí Việt Nam phải nhập khẩu tới 22,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 12,1 tỷ USD.

Thiếu chỉ đạo quyết liệt

Đó là nhận xét chung mà hầu hết đại biểu đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển ngành cơ khí, do Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội. Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện thiếu quyết liệt, yếu kém trong khâu kiểm tra, giám sát đã khiến các chính sách không phát huy tác dụng, dẫn tới ngành cơ khí phát triển rất ì ạch.

Chẳng hạn, với Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hàng hóa trong nước với những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hay Chỉ thị số 734/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2011 cho phép chủ đầu tư phân chia các gói thầu EPC thành các gói thầu riêng biệt để các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể tham gia, việc thực hiện chưa thực sự nghiêm túc và công tác kiểm tra của cơ quan chức năng còn thiếu quyết liệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Xuân Quang, khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư luôn tìm cách “né” nhà thầu trong nước, trong khi các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra quá trình thực thi của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó là tư duy đấu thầu giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức đến tỷ lệ nội địa hóa, nên hầu hết dự án lớn rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Mà khi nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, thì các nhà chế tạo Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia với vai trò là nhà thầu phụ.

“Các gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí cho các dự án công nghiệp cần lượng vốn lớn, nên chủ đầu tư trong nước thường áp dụng hình thức thu xếp vốn từ các nhà thầu cung cấp thiết bị từ nước ngoài, dẫn tới khả năng tham gia thực hiện các gói thầu của doanh nghiệp cơ khí trong nước là rất khó”, ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) cho biết.

Lấy ví dụ về việc chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét nước, ông Giang cho biết, PV Shipyard có thể tự sản xuất, với tỷ lệ nội địa hóa tới 35%, nhưng khi đấu thầu, PV Shipyard không thể cạnh tranh được với các công ty của Singapore và Trung Quốc, bởi các công ty này có cơ chế hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư tới 90%, thậm chí 99%, tức là chủ đầu tư chỉ cần ứng 1 - 10% vốn, phần còn lại thanh toán khi dự án hoàn tất.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, dù Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11 dự án được hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình Cơ khí trọng điểm từ cuối năm 2009, nhưng đến nay, mới có 3 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý ký hợp đồng vay vốn, với tổng số tiền 374 tỷ đồng. 

Thiết bị đồng bộ: nhập khẩu ngày càng tăng

Máy và thiết bị đồng bộ là một trong 8 nhóm sản phẩm ưu tiên, có tỷ trọng giá trị lớn trong các sản phẩm cơ khí, với giá trị nhập khẩu thiết bị khoảng 10 tỷ USD/năm. Trong Chiến lược Phát triển ngành cơ khí, nhóm sản phẩm này không những không hoàn thành mục tiêu nội địa hóa 40% giá trị, mà còn có xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng cho biết, xét đến việc đầu tư thiết bị đồng bộ cho 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bô-xít, thì chỉ có ngành thủy điện nội địa hóa được 90% thiết bị cơ khí thủy công, nên đã nội địa hóa được 30% giá trị thiết bị của các dự án thủy điện. Các ngành còn lại, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, tổng giá trị nội địa hóa cho nhóm sản phẩm thiết bị đồng bộ chỉ xấp xỉ 10%.

Trong tổng số 24 nhà máy xi măng, có đến 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC. Trong đó, các nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC, phần lớn tỷ lệ nội địa hóa bằng 0%. Trong khi đó, tại các nhà máy do nhà cung cấp từ các nước G7 làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 25%.

Điều đáng nói là, về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được tới 40% giá trị thiết bị của các nhà máy trên.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2012 - 2025, chỉ tính riêng các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam cần đầu tư và vận hành 52 nhà máy, với tổng giá trị đầu tư thiết bị ước tới 50 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, thiết bị khác thác và chế biến dầu khí, thì giá trị đầu tư cho thiết bị lên tới 150 tỷ USD.

Nếu đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa 30 - 40% như mục tiêu của Chiến lược Phát triển ngành cơ khí, thì tiềm năng phát triển của ngành cơ khí là rất lớn. Tuy nhiên, với những hạn chế nói trên, sau 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển, năm 2012, ngành cơ khí vẫn phải nhập khẩu tới 22,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 12,1 tỷ USD.