Nhà máy xi măng Đồng Bành là một ví dụ điển hình của việc “quay lưng” với các DN cơ khí nội

Nhà máy xi măng Đồng Bành là một ví dụ điển hình của việc “quay lưng” với các DN cơ khí nội

Ngành cơ khí Việt Nam: Thua bởi... EPC?

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 83% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu vẫn “rơi” vào nhóm vật tư, thiết bị, nguyên liệu sản xuất. Điều đáng nói, rất nhiều trang thiết bị trong số đó các DN trong nước có thể sản xuất được. Vậy tại sao những trang thiết bị này không được sử dụng trong các dự án ?

Thị trường thầu ở VN đang rất “bở”, một năm cả chục tỷ USD, cứ 5 tỷ đồng (tương đương với 250.000 USD) đã phải đấu thầu. Trong khi, chủ đầu tư lại đưa ra những tiêu chí chỉ quốc tế mới đáp ứng nổi, thiệt thòi rất nhiều cho nhà thầu nội – Đây là ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN.

 

Khó cạnh tranh với “hàng ngoại”

 

Ông Trần Anh Thái, Phó GĐ Cty TNHH Hệ thống kỹ thuật ứng dụng thắc mắc, không hiểu sao DN nội rất khó chen chân vào một số dự án của các DN nhà nước trong khi độ tự tin, kinh nghiệm của DN được ông khẳng định là có thừa? Ông Thái kể câu chuyện của chính DN mình làm ví dụ, tiêu chuẩn dự thầu cao đến mức phi lý, hơn giá trị thực của dự án. Khi DN đấu thầu cung cấp hệ thống điều khiển bảo vệ tự động hóa máy tính cho dự án trạm điện 500kV Hiệp Hòa. Tại thời điểm này, hơn một nửa số trạm 500kV (khoảng 5 - 6 trạm) đang sử dụng hệ thống của DN. “Khi TCty truyền tải đưa ra tiêu chí về kinh nghiệm, DN bị đánh giá là chưa đủ kinh nghiệm, trong khi hệ thống đã dùng thiết bị của chúng tôi 7 - 8 năm nay” - ông Thái bức xúc.

 

Theo ông Thái, với cơ chế như hiện nay, máy móc trong nước khó cạnh tranh được với trang thiết bị giá rẻ của nước ngoài. Nguyên nhân là nhiều DN mua thiết bị nước ngoài về gia công thêm rồi dán tem thành hàng nội địa rồi bán ra thị trường, đã đẩy giá thành lên cao.

 

Cùng quan điểm này, ông Vũ Việt Kha, TGĐ TCty Máy và thiết bị công nghiệp cho biết, mặc dù các DN VN có thể cung ứng được nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và có thể thay thế hàng nhập khẩu nhưng nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc vẫn không sử dụng. Theo ông Kha, trong việc sử dụng vật tư, thiết bị trong nước, dù đã có khá nhiều cuộc vận động, chỉ thị nhưng hình như các DN trong nước không còn mặn mà như trước.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí VN nêu thực trạng, hiện có tới 20 dự án nhiệt điện đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện với trị giá khoảng 30 tỷ USD. Chỉ cần các DN VN làm 30% thì đã có 10 tỷ USD. “Tôi là người đã từng ký hợp đồng các dự án nhiệt điện, hợp đồng chế tạo thiết bị nhà máy điện... Chỉ cần làm 30% thì đã tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm được 30% nhập siêu” - ông Thụ khẳng định.

 

Ông Thụ còn ví dụ, có Cty cơ khí, TGĐ không phải là người làm cơ khí, giao toàn bộ tổng thầu cho phía Trung Quốc. Có thể nhìn thấy rất rõ, 40-50% lượng công việc ở đây các DN cơ khí trong nước hoàn toàn làm được. Nhưng người ta vẫn thuê tổng thầu Trung Quốc làm với lý do là tiễn độ, năng lực, cung cấp thiết bị của họ tốt hơn DN nội. Ông Thụ  chua chát: “Chủ đầu tư VN nghèo nhưng lại hay chơi sang! Nếu là công trình có vốn vay nước ngoài, phải sử dụng hàng nhập khẩu lại đi một nhẽ. Đằng này, có những công trình hoàn toàn vay vốn trong nước nhưng vẫn sử dụng nhà thầu ngoại làm EPC. Ông lấy việc đầu tư nhà máy xi măng Đồng Bành là một ví dụ điển hình của việc DN nhà nước “quay lưng” với các DN cơ khí nội. Đáng lý phải tự chế tạo thiết bị, nhưng lại giao thầu toàn bộ cho nhà thầu Trung Quốc. Trong khi, thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được.

 

Theo ông Thụ, với 8 nhóm hàng thuộc danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia, một số sản phẩm cơ khí của VN đã chiếm lĩnh thị trường, được các chủ đầu tư lựa chọn như, thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, cơ khí thủy công, cầu trục, đường ống dẫn khí, khung nhà kho, tổng thầu EPC các nhà máy nhiệt điện... đã khẳng định được chất lượng, nhưng việc sản phẩm cơ khí trong nước vào được các dự án có vốn nhà nước hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận của chủ đầu tư.

 

“Nếu để tình trạng EPC như hiện nay thì đừng phát triển ngành cơ khí nữa!” - Ông Thụ chua xót.

 

Hơn thế, tiêu trí ưu tiên giá trúng thầu thấp hiện đang bộc lộ nhiều nguy cơ. Ông Vũ Gia Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN cho biết, hiệp hội đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng công trình kém chất lượng do giá trúng thầu thấp. Gần như không một nước nào có thể trả giá rẻ bằng nhà thầu Trung Quốc. Theo ông Quỳnh, nhà thầu ngoại theo mô hình quản lý chung, có nhà thầu chỉ đi đấu thầu, rồi chia lại các gói nhỏ cho nhà thầu phụ theo hướng chuyên môn hóa, tận dụng được năng lực.

 

“Mổ xẻ” nguyên nhân

 

Theo Bộ Công Thương, để tình trạng các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc có nhiều nguyên nhân. Song, phải thừa nhận rằng các DN trong nước vẫn còn những hạn chế, cụ thể: Một số máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước có chất lượng và giá cả chưa cạnh tranh  với các thiết bị cùng loại nhập khẩu, đặc biệt là nhập từ Trung Quốc và Đài Loan. Hơn nữa, nhiều máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu... thuộc các gói thầu/hợp đồng chọn gói do vậy rất khó khăn cho chủ đầu tư trong việc yêu cầu nhà thầu phải sử dụng các sản phẩm trong nước.

 

Không chỉ có vậy, Bộ Công Thương còn chỉ ra rằng, nhiều nhà thầu trong nước chỉ làm được những bộ phận gia công cơ khí đơn giản, còn lại phải nhập khẩu về lặp ráp trong nước. Những loại máy móc này tuy có giá thành cạnh tranh nhưng tính đồng bộ không cao, khó đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Các DN trong nước thường không có đủ hồ sơ chứng nhận về vận hành thành công, không có chứng nhận thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức có uy tín, độc lập cấp và chứng nhận. Do đó khó đáp ứng điều kiện khi phải tham gia đấu thầu quốc tế. Trên thực tế, năng lực của các chủ đầu tư dự án vẫn còn những hạn chế, chưa tương xứng với các dự án lớn. Đặc biệt là các gói thầu cung cấp thiết bị, các gọi thầu giá trị lớn, gói thầu EPC...

 

Một nguyên nhân nữa cũng được Bộ Công Thương chỉ ra là vấn đề vốn, theo đó do thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên chủ đầu tư phải vay phần lớn ở nước ngoài. Một số trường hợp do yêu cầu của các tổ chức cho vay về việc nhà thầu hoặc cung cấp thiết bị hàn hoá cung cấp từ nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn ODA.

 

Trong khi đó, theo ông Lưu Hoàng Long, TGĐ TCty Điện tử và Tin học VN, cũng phải sòng phẳng thừa nhận việc giao tổng thầu trong nước đôi khi không kiểm soát được. Nhiều nhà thầu trong nước sau khi trúng thầu đã bán thầu, nhất là trong các gói thầu EPC.

 

Theo báo cáo của các tập đoàn, Tổng Công ty và Công ty đối với hoạt động sản xuất kinh doanh máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước năm 2010 khoảng 30.596.820 triệu đồng, tỉ lệ sử dụng hàng hoá trong nước trung bình là khoảng 53,6%. Dự kiến năm 2011 khoảng 37.798.579 triệu đồng, tỉ lệ sử dụng hàng hoá trong nước trung bình là 52%. Đối với các dự án đầu tư giá trị máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước khoảng 16.090.803 triệu đồng, tỉ lệ sử dụng hàng hoá trong nước trung bình khoảng 18,6%.

(Nguồn: Bộ Công Thương)