Ngành thép chưa hết quý IV đã lộ diện... khó khăn!

Ngành thép chưa hết quý IV đã lộ diện... khó khăn!

(ĐTCK) Trong quý IV, bên cạnh một vài DN có kết quả kinh doanh khả quan thì tình hình tiêu thụ của cả ngành thép không mấy sáng sủa.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa cho biết, tháng 11, HPG đạt sản lượng bán hàng 71.718 tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đạt 632.900 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Đối với CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), lũy kế 2 tháng đầu niên độ 2013 - 2014, Công ty đạt sản lượng tiêu thụ 114.394 tấn, doanh thu thuần 2.166 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 67,5 tỷ đồng.

Tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC đạt 7.397 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 23,4 tỷ đồng. Con số doanh thu 2.417 tỷ đồng trong quý III, tăng 8% so với cùng kỳ khả quan trong bối cảnh chung thị trường, nhưng còn rất khiêm tốn với kế hoạch doanh thu 9.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng của DN này.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT SMC cho biết, năm 2013, Công ty sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Trái với thông thường, mùa vụ tiêu thụ cuối năm nay khá èo uột, cộng thêm việc nguồn cung dư thừa, sức tiêu thụ kém đã khiến các DN phải cạnh tranh bằng cách hạ giá bán. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến SMC không đạt kế hoạch năm nay. Năm 2014, theo ông Ngọc Anh, tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, nên SMC cũng đã lên tinh thần để “tiếp tục chiến đấu”.

Ông Đỗ Duy Thái, Thành viên HĐQT CTCP Thép Pomina (POM) cho biết, giá thép nhập khẩu hiện đã tăng lên 405 USD/tấn, trong khi tháng 11 là 365 USD/tấn. Thông thường, vào thời điểm này, giá thép trong nước sẽ tăng, nhưng hiện các nhà máy sản xuất vẫn chưa tăng giá do tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu nhập hàng mới về thì bắt buộc phải tăng giá. Hiện mức giá thép giao tại nhà máy của POM là 13,5 triệu đồng/tấn (chưa VAT), không đổi so với mức giá điều chỉnh tăng ngày 12/9 của POM.

POM là DN thép có quy mô lớn với vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, thị phần lớn, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn lỗ sau thuế hơn 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 9 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ là do thị trường xây dựng còn khó khăn, cùng lúc đó POM lại đưa thêm một nhà máy luyện mới vào hoạt động nên phải chịu lỗ khấu hao cao.

Ông Thái cho biết, năm 2013, sản lượng và giá bán của POM không thay đổi nhiều, dù khó khăn nhưng POM vẫn không giảm chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, nên kết quả kinh doanh sẽ chưa thoát lỗ. Về tình hình chung của ngành thép, ông Thái cho rằng, năm 2014 vẫn gặp nhiều khó khăn khi các ngành liên quan chưa thoát khỏi suy thoái, đồng thời lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Thái, để hỗ trợ cho các DN ngành thép, các cơ quan nhà nước chỉ cần xử được vấn đề thép cuộn có chứa chất Boron (Bo), đang tác động tiêu cực tới các nhà máy trong nước. Cụ thể, thép hợp kim chứa nguyên tố Bo (0,0008%) nhập khẩu từ Trung Quốc đang lợi dụng các khe hở ưu đãi về thuế (thép hợp kim được hưởng thuế nhập khẩu 0%).

Trong khi đó, thuế nhập khẩu các loại thép khác như thép hình chịu thuế 5%, thép cuộn 5%, thép thanh 10 - 18% tùy loại. Một số DN Trung Quốc đã đưa nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép để hưởng các ưu đãi thuế nêu trên. Ông Thái cho biết, DN ngành thép lời 0,5 - 1% đã là mừng, trong khi những DN gian lận thương mại đã “lách thuế” được mười mấy phần trăm. Điều này khiến các DN làm ăn “đàng hoàng” bị thiệt hại.

Tại CTCP Thép Tiến Lên (TLH), ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH cho biết, năm 2013, TLH có thể đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quý IV, giá thép nhập khẩu tăng khoảng 5 - 10% tùy loại, tương đương tăng 10 - 30 USD/tấn thép. Do sản lượng thép nhập từ Trung Quốc quá lớn, sức cầu thấp nên   thị trường nội địa đang khá trầm lắng.

Trong quý III, TLH lãi ròng 5,2 tỷ đồng nhờ vào khối lượng hàng tồn kho có giá bình quân thấp. Theo ông Hà, hiện TLH cũng đã nhập khẩu được một lượng hàng giá thấp cho năm 2014. Hiện các cửa hàng của TLH đang bắt đầu nhộn nhịp, tuy sản lượng bán ra vẫn kém hơn so với cùng kỳ năm 2013.

>>Ngành thép vào mùa thấp điểm    

>>DN ngành thép: Không có đại dương xanh

>>Ngành thép cán nóng, dự báo về khả năng “soán ngôi”