Tây Ban Nha trở thành “mối lo ngại lớn của châu Âu”

Tây Ban Nha trở thành “mối lo ngại lớn của châu Âu”

Nguy cơ bất ổn tài chính của Tây Ban Nha đang ở rất gần

Hy Lạp không còn là trung tâm của cuộc khủng hoảng tại châu Âu, kể cả khi quốc gia này rời bỏ Eurozone. Trong khi đó, Tây Ban Nha đang đối mặt với kinh tế trì trệ, nguy cơ bất ổn tài chính đang ở rất gần.

Khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozon đã bước sang năm thứ 3 và đang diễn biến ngày một phức tạp. Tại Hy Lạp, quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất tại Eurozone, tình hình đang trở nên xấu hơn bao giờ hết khi bộ máy chính phủ của nước này không đạt được sự đồng thuận trong việc thực thi các điều kiện cần thiết để nhận được các gói cứu trợ tài chính từ bên ngoài.

 

Bộ 3 nhà tài trợ của Hy Lạp là Liên minh châu Âu (EU) - Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã liên tục lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo tại Hy Lạp tìm kiếm sự đồng thuận chung để tiếp tục được nhận các gói cứu trợ tài chính, tránh nguy cơ vỡ nợ đang đến rất gần.

 

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, nếu không nhận được những khoản cứu trợ tiếp theo, ngân sách chính phủ Hy Lạp sẽ cạn tiền vào tháng 6 tới. Trong khi đó, cuộc bầu cử trước thời hạn như tuyên bố của Đảng cầm quyền nước này chưa biết bao giờ sẽ diễn ra.

 

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cũng đã lên tiếng cảnh báo về một cái giá hết sức “đắt đỏ” với không chỉ Hy Lạp trong trường hợp quốc gia này vỡ nợ và phải rời bỏ Eurozone.

 

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mối lo lớn nhất của Eurozone không còn là xứ sở thần thoại Hy Lạp mà là đất nước của những võ sĩ đấu bò tót: Tây Ban Nha.

 

“Mối lo ngại lớn của châu Âu chính là Tây Ban Nha”, chuyên gia kinh tế Stephane Deo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho biết. Tình hình tài chính yếu kém của các ngân hàng tại Tây Ban Nha đang là cơn ác mộng tồi tệ nhất với các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư.

 

Tuần trước, Moody's tuyên bố hạ xếp hạng tín nhiệm đồng loạt 16 ngân hàng tại quốc gia này, bao gồm cả 2 ngân hàng lớn nhất là Banco Santander và BBVA sau khi xếp hạng tín nhiệm của chính phủ nước này bị đánh tụt hạng. Đáng lưu ý là xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Santander và BBVA đều bị hạ tới 3 bậc từ Aa3 xuống A3 còn triển vọng bị đánh giá ở mức tiêu cực.

 

Ngay sau đó, thị trường tài chính Tây Ban Nha và toàn cầu rúng động trước tin 1 tỷ EUR đã bị rút khỏi ngân hàng Bankia SA sau khi chính phủ tuyên bố quốc hữu hóa nhằm tránh nguy cơ Bankia bị vỡ nợ. Mặc dù chính quyền Madrid đã phủ nhận thông tin trên nhưng không làm giảm mối lo ngại của người dân và giới đầu tư.

 

Cổ phiếu các ngân hàng Tây Ban Nha đồng loạt lao dốc khi làn sóng bán tháo lan rộng khắp châu Âu và nhắc các nhà đầu tư nhớ lại những gì đã xảy ra với thị trường tài chính toàn cầu khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, kéo theo hiệu ứng dây chuyền trên phạm vi toàn thế giới.

 

Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha là 8,37%, tương đương gần 150 tỷ EUR (190 tỷ USD), cao nhất trong vòng 17 năm.

 

Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo, hậu quả từ việc thị trường tài chính Tây Ban Nha sụp đổ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với nguy cơ tương tự ở Hy Lạp hay những gì đã diễn ra năm 2008, sau sự kiện Lehman Brothers.