Các NĐT của VinaCapital rất quan tâm đến cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng

Các NĐT của VinaCapital rất quan tâm đến cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng

Nhà đầu tư ngoại lạc quan với cơ hội đầu tư 2015

(ĐTCK) Một thông tin được chia sẻ tại Hội nghị thường niên các NĐT VinaCapital 2014 vừa tổ chức tại Hà Nội khiến giới đầu tư nước ngoài khá kỳ vọng. 

Đó là việc người khổng lồ trong lĩnh vực đồ ăn nhanh của Mỹ là Mc Donald’s đã bán hết hơn 400.000 phần đồ ăn nhanh chỉ trong 1 tháng đầu tiên mở cửa tại TP. HCM. Như vậy, thành phố này đã trở thành thị trường thành công thứ 2 trên thế giới của Mc Donald’s chỉ sau Bắc Kinh sau 1 tháng hoạt động. Thành công này của Mc Donald’s đã thực sự hấp dẫn các NĐT về cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong năm 2015 và những năm tới. 

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, VinaCapital, từ đầu năm 2014 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã ổn định hơn.

“Các mức chiết khấu đang thu hẹp dần, đặc biệt với các quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường vốn”, ông Andy Ho phân tích và cho rằng, chính sự quan tâm của các NĐT trong và ngoài nước đã giúp cải thiện mạnh mẽ tính thanh khoản của các khoản đầu tư.

Theo ông Andy Ho, hiện nền kinh tế có những cải thiện đáng kể, hỗ trợ tích cực cho tâm lý đầu tư, trong đó phải kể đến mức lạm phát thấp và lãi suất được điều chỉnh giảm mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện có nguồn tiền dôi dư lớn để mua trái phiếu chính phủ. Trong điều kiện này, ông Andy Ho cho biết, các quỹ đang hoạt động tại Việt Nam của VinaCapital đã đạt lợi nhuận vượt trội so với nhiều thị trường khác trong khu vực nhờ sự phục hồi của TTCK.

Đứng ở góc độ vĩ mô, chia sẻ với các NĐT về tình hình phát triển kinh tế năm 2014 và dự báo cho năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nội tại, song nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực trở lại. Theo Phó Thủ tướng, với kết quả đạt được và những tồn tại trong 9 tháng đầu năm của nền kinh tế, cân đối với xu hướng phục hồi nhưng còn thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, dự báo mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 là 5,8% so với tăng trưởng chung của khu vực châu Á năm 2014 là 6,2%.

Trong năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014, trong khi tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; FDI thực hiện khoảng 9 tỷ USD; ODA ký kết năm 2015 dự kiến hơn 5 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như  tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, tăng cường hội nhập và khẩn trương hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý để tạo môi trường thuận lợi tối đa cho các NĐT.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã đưa ra danh mục kêu gọi các NĐT nói chung và NĐT của Quỹ VinaCapital nói riêng tập trung vào các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, y tế và giáo dục - đào tạo.

Đánh giá cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng: “Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá ổn định, trong vòng khoảng 18 tháng trở lại đây, NĐT nước ngoài đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn nội tại, song môi trường kinh doanh tại Việt Nam tương đối tốt, chính sách của Nhà nước ngày càng thông thoáng hơn, tạo được sự hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài”.

Theo ông Don Lam, các NĐT của VinaCapital đang rất quan tâm đến cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Ngoài ra, một số NĐT Nhật Bản tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng, như nhà máy phát điện, cảng đang được Chính phủ triển khai cổ phần hóa.

“NĐT đang theo dõi tiến độ cổ phần hóa cũng như số lượng các DNNN được cổ phần hóa từ nay đến cuối năm, trong đó đặc biệt quan tâm đến các dự án phát triển hạ tầng mang tính dài hạn. Đây cũng là một tín hiệu tốt, cho thấy các NĐT muốn đặt nền tảng kinh doanh bền vững tại Việt Nam”, ông Don Lam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo vị CEO này, các NĐT vẫn e ngại tỷ lệ room dành cho NĐT nước ngoài tại các DNNN cổ phần hóa còn khá thấp và đề xuất nên tăng lên khoảng 60%. Bên cạnh đó, cũng theo ông Don Lam, tiến độ cổ phần hóa cần được đẩy nhanh hơn với số lượng nhiều hơn các DNNN lớn để NĐT có nhiều hơn cơ hội lựa chọn.

Tin bài liên quan