Nhận định thị trường ngày 4/3: Sẽ kết thúc đợt sóng mạnh

Nhận định thị trường ngày 4/3: Sẽ kết thúc đợt sóng mạnh

(ĐTCK) Thị trường vẫn có thể xuất hiện một vài nhịp giảm nhưng mức độ sẽ nhẹ dần, do áp lực tài chính giảm. Tuy nhiên, ở giai đoạn này áp lực đó vẫn chưa hết và vì thế thị trường vẫn còn chịu những rủi ro nhất định.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 3/3.

Vẫn còn giảm điểm, nhưng mức độ thấp dần

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Thị trường 3/3 giảm mạnh cho dù không xuất hiện bất cứ thông tin nào quá tiêu cực. Sự giảm điểm này được đánh giá là bất ngờ với nhiều người nhưng nếu như kết nối với diễn biến tại phiên ATC ngày 28/2 thì dường như câu trả lời đã có.

Phiên giảm này tiếp tục tạo áp lực lên những nhà đầu tư đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu. Trong khi những nhà đầu tư bán ra trước đó lại bắt đầu câu chuyện muôn thủa: bắt đáy. Những phiên dò đáy như thế sẽ phần nào giúp thị trường tránh được giảm sâu, nhưng người bắt đáy cũng sẽ khó kiếm được lợi nhuận.

Thị trường vẫn có thể xuất hiện một vài nhịp giảm nhưng mức độ sẽ giảm dần, do áp lực tài chính giảm. Tuy nhiên ở giai đoạn này áp lực đó vẫn chưa hết, và vì thế thị trường vẫn còn chịu những rủi ro nhất định.

Thị trường sẽ rất khó dự đoán

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Với áp lực bán tháo đột ngột xuất hiện trong phiên chiều ngày 3/3 thì các chỉ số chính trên cả hai sàn HNX và HOSE đã có phiên sụt giảm khá mạnh. Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy sức cầu tỏ ra khá bị động bởi diễn biến tăng mạnh và bất ngờ của lượng cung trong phiên giao dịch buổi chiều. Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều giảm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu lớn như SSI, MSN, VIC… khiến thị trường tràn ngập sắc đỏ.

Về yếu tố tác động, việc TTCK Châu Á giảm mạnh do lo ngại về bất ổn ở Ukraine và PMI Trung Quốc giảm có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư trong nửa cuối phiên sáng.

Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá thì những yếu tố trên không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bán tháo trong phiên này. Nhiều khả năng diễn biến sụt giảm này vẫn đơn thuần bắt nguồn từ một số nhà đầu tư thụ động bán ra với mục tiêu bảo vệ thành quả sau nhịp tăng mạnh đầu năm.

Với tình hình vĩ mô và kỳ vọng tiếp tục được giữ nguyên thì chúng tôi vẫn bảo lưu nhận định lạc quan về xu thế thị trường trong trung hạn. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường sẽ rất khó dự đoán trong một vài phiên tới do các chỉ số vẫn đang cho thấy sự khó khăn khi tiếp cận với các mốc kháng cự mạnh ngắn hạn.

Theo đó, nhà đầu tư nên theo sát diễn biến tiếp theo của thị trường để ra những quyết định mua bán hợp lý, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, việc giảm bớt tỷ lệ margin của danh mục sẽ là cần thiết nếu đà giảm vẫn tiếp diễn.

Giảm điểm nhưng vẫn trên mốc 570

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường đang trong giai đoạn nguy hiểm với sự bán tháo mạnh của nhà đầu tư trong phiên 3/3.

Sau  thời gian tăng nóng kể  từ đầu năm, thị trường cần điều chỉnh ngắn hạn và tích lũy cho xu thế tăng trung hạn trong năm 2014.

Để bảo toàn thành quả từ đầu năm, chúng tôi cho  rằng nhà đầu tư cần giảm tỷ lệ cổ phiếu, tăng tỷ lệ tiền mặt chờ điểm mua phù hợp sẽ đến vào cuối tháng 3.

Trong phiên 4/3, VN-Index sẽ giảm về vùng giá hỗ trợ 565 – 570 điềm đầu phiên và hồi trở lại sau đó, đóng cửa giảm điểm nhưng vẫn trên mốc 570 điểm.

E ngại rủi ro đang dần tăng cao

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường điều chỉnh mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần khi một loạt các mã bluechips mất điểm trong khi dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dần thoát ra khỏi các mã penny.

Tình trạng giao dịch cân bằng chỉ diễn ra trong phiên giao dịch buổi sáng, sau đó áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên đã đẩy cả hai chỉ số mất điểm sâu. Số mã giảm điểm áp đảo cho thấy áp lực giảm điểm diễn ra trên diện rộng, mức độ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu không lớn như các phiên giảm điểm trước đây. Mặc dù áp lực bán mạnh nhưng khối lượng giao dịch ngày 3/3 sụt giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với phiên cuối tuần trước.

Sự điều chỉnh mạnh trong phiên 3/3 phần nào cho thấy mức độ e ngại rủi ro của nhà đầu tư đang dần tăng cao sau một giai đoạn tăng nóng của cả hai chỉ số. Chúng tôi vẫn duy  trì quan điểm thận trọng, khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu thấp, tuyệt đối không mua đuổi tại các mức giá cao khi thị trường bật tăng trở lại.

Chốt lời tại thời điểm này

(CTCK MB - MBS)

Thị trường 3/3 đi xuống khi cả VN-Index và HN-Index cùng mất điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá.

Chúng tôi cho rằng thị trường đang phân phối và chốt lời tương đối mạnh.

Lực mua mạnh từ các nhà đầu tư cá nhân vừa quay trở lại thị trường hoặc vừa chốt lời trước đây đang là điều kiện tốt để các chỉ số không giảm điểm mạnh.

Chúng tôi khuyến nghị chốt lời tại thời điểm này.

Có thể xu hướng tăng ngắn hạn đang ở giai đoạn cuối

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Trên đồ thị, xu hướng của VN-Index vẫn là tăng (!) với các đỉnh và đáy sau liên tục cao hơn – điều này vẫn hợp lệ kể từ tháng 9/2013.

Tuy nhiên, khác với các đợt điều chỉnh trước, chúng tôi thận trọng hơn với đợt suy giảm lần này, các chỉ báo kỹ thuật đưa ra dấu hiệu cảnh báo rõ rệt hơn. KE Sentiment Index đã đưa phân kỳ tiêu cực, như lần đầu được nhắc tới tại ngày 27/2. Với tín hiệu này, có thể xu hướng tăng ngắn hạn từ tháng 9/2013 đang ở giai đoạn cuối.

Do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên thận trọng hơn, tránh giao dịch mua đi bán lại nhiều trong các phiên tới. Nếu VN-Index hồi phục và yếu đi trong giai đoạn tới, trước khi tới được khu vực 590, đó sẽ là tín hiệu chốt lời thị trường.

Điều chỉnh nhưng không làm thay đổi sự lạc quan

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Sau tuần tăng điểm mạnh cuối tháng 2, thì trong phiên mở đầu tháng 3, thị trường đã quay đầu giảm điểm mạnh khi phần lớn cổ phiếu phải giảm điểm do áp lực bán trở nên mạnh mẽ, ngay cả khối ngoại cũng chuyển sang bán ròng khá mạnh trên sàn HOSE.

Kịch bản VN-Index điều chỉnh khi tiệm cận ngưỡng 590 điểm và diễn biến thị trường đang chứng tỏ điều này, tuy vậy nếu nhà đầu tư theo quan điểm đầu tư trung và dài hạn thì những nhịp điều chỉnh vẫn không làm thay đổi cái nhìn lạc quan cho tổng thể nền kinh tế trong năm nay.

Chưa có quan ngại trong trung và dài hạn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm tại ngưỡng cản kỹ thuật 600 điểm. Áp lực cung tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều và phổ biến toàn thị trường, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu Bluechips, quan ngại động thái tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF.

Lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. Áp lực cung đang chiếm ưu thế, dù lực cầu mua giá thấp vẫn khá tích cực. Với phiên giảm mạnh này, chỉ số VN-Index đã giảm qua kênh tăng giá thiết lập từ cuối năm 2013, cho chỉ báo về xu hướng giảm ngắn hạn.

Vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là khoảng 560-565 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh hơn là mốc 550 điểm. Chúng tôi chưa có quan ngại về xu hướng thị trường trong trung dài hạn.

Giảm tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK KIS Việt Nam - KIS)

Thị trường phiên đầu tiên của tháng 3 đón nhận hàng loạt thông tin tiêu cực từ thế giới và trong nước. Trước hết, tình hình bất ổn chính trị tại Ukraine kéo TTCK châu Á đồng loạt mất điểm. Thêm vào đó, dữ liệu PMI tháng 2 của Việt Nam cho thấy dù hoạt động sản xuất vẫn duy trì trạng thái tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng đã bị thu hẹp đáng kể.

Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước hoạt động bán ròng của các quỹ ETF cho kì review sắp tới cũng là những nhân tố thúc đẩy các chỉ số có phiên giảm điểm mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Như vậy, những thông tiêu cực nói trên được xem là chất xúc tác thúc đẩy hoạt động chốt lời khá triệt để của nhà đầu tư sau khi thị trường đã trải qua giai đoạn tăng nóng kéo dài.

Trong phiên 3/3, bất chấp lực cầu bắt đáy tăng cường nhưng cả VN-Index và HN-Index vẫn đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên cho thấy quá trình điều chỉnh ngắn hạn đang trở nên rõ nét hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng những nhịp tăng để giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng cường nắm giữ tiền mặt. Trong khi đó, việc “bắt đáy” vào thời điểm này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được khuyến khích vào lúc này.

Sẽ kết thúc đợt sóng mạnh

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Thị trường trải qua một phiên giảm sâu, áp lực thoát hàng trên diện rộng được duy trì từ khi bắt đầu giao dịch cho tới khi thị trường đóng cửa, trong khi lực cầu vào bắt đáy vẫn chưa thực sự xuất hiện.

Bên bán vẫn sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong một vài phiên nữa, NĐT nên tranh thủ những nhịp hồi lại trong phiên ngày mai để giảm tỷ trọng cổ phiếu và theo dõi phản ứng của thị trường ở những phiên tiếp theo để ra quyết định mua vào trở lại.

Sau phiên 3/3, thị trường nhiều khả năng sẽ kết thúc đợt sóng mạnh từ đầu năm đi vào một giai đoạn mới và việc tìm kiếm lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tin bài liên quan