Nhân sự ngành tài chính: Thêm nỗi lo “rút ruột”

(ĐTCK-online) Cuối năm 2006, khi TTCK bắt đầu bùng nổ, sự chuyển dịch nhân sự giữa các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Nhân sự cao cấp với kiến thức và kinh nghiệm luôn được các công ty săn lùng, sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn cùng nhiều chế độ ưu đãi. Với tốc độ tăng điểm đến chóng mặt của VN-Index, hàng loạt người nhạy bén nhanh chóng trở nên giàu có...

Trước năm 2005, hầu hết du học sinh ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đều có ý định làm việc tại nước ngoài một thời gian sau khi ra trường thì giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007, trở về Việt Nam sớm ngày nào được coi là tốt ngày đó, bởi không ít CTCK sẵn sàng trả mức lương gần 100 triệu đồng/tháng cho nhân sự bậc cao. Chưa bao giờ thị trường nhân sự trong ngành tài chính Việt Nam lại trở nên sôi động và hấp dẫn đến vậy.

Anh Sơn, người có kinh nghiệm 3 năm làm việc tại một ngân hàng đầu tư của Pháp, đã quyết định về Việt Nam. Lý do anh đưa ra thật đơn giản: về nước cho gần gia đình, hơn nữa, bây giờ ở Việt Nam có cơ hội kiếm tiền lớn, thậm chí còn nhiều hơn ở nước ngoài.

TTCK phát triển nhanh và mạnh ngoài sức tưởng tượng, kéo theo việc chạy đua thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ khiến dòng chảy nhân sự trong lĩnh vực này và nhân sự trong ngành ngân hàng ngày một mạnh mẽ. Các công ty đua nhau kéo nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm từ phía đối thủ cạnh tranh và cả từ nguồn cung bên ngoài quốc gia. Lương bổng cao cộng thêm cơ hội thăng tiến là "mồi câu" hấp dẫn cho những phi vụ "săn đầu người".

Tuy nhiên, từ cuối năm 2007, TTCK bắt đầu suy giảm, tác động không nhỏ đến xu hướng dòng chảy nhân sự. Thay vì khan hiếm và xu hướng "đổ bộ" vào ngành chứng khoán, nhiều đơn vị từ chỗ chú tâm tuyển nhân viên mới đã chuyển sang chọn lọc và tinh giản bộ máy. Kinh nghiệm để được làm việc trong ngành chứng khoán lúc này là: nếu không đủ giỏi để được mời, đủ quen thân để nhờ cậy xin việc thì hãy nên có chứng chỉ hành nghề và tiếp cận từ lúc doanh nghiệp đang trong giai đoạn thành lập!

TTCK khó khăn khiến dòng chảy nhân sự (tự nguyện và không tự nguyện) trở nên mạnh hơn, nhưng theo một chiều hướng khác. Một số bị đào thải do cắt giảm nhân sự, một số vì chán công việc quá nhàn hạ mà quyết định ra đi. Công cuộc "giành giật" nhân sự vì thế cũng bớt phần căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh mới đang dần xuất hiện ngày một mạnh hơn khi đối thủ cạnh tranh không phải từ các doanh nghiệp Việt Nam, mà là các công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia.

Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đang tuyển chọn nhân viên bản địa với mức lương hấp dẫn, có công ty trả mức lương 5.000 USD/tháng, chưa tính các khoản hưởng thêm. Các tổ chức môi giới nhân sự cao cấp đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là tại Singapore, cũng liên tục phát triển với các buổi giới thiệu diễn ra đều đặn hàng tháng. Và sau mỗi buổi thuyết trình, không ít người lại "thử một lần cho biết".

Gần 1 tháng trước, giám đốc phân tích của một quỹ đầu tư nước ngoài đã quyết định chuyển sang làm việc cho quỹ đầu tư tại Singapore. Một trong những lý do chính là TTCK trong nước quá trầm lắng, sang nước ngoài làm việc, vừa có cơ hội kiếm thêm tiền, vừa có thêm kiến thức. Tham vọng của vị này là học kinh nghiệm thành lập và quản lý quỹ trước khi mang quỹ đó về Việt Nam hoặc về Việt Nam thành lập công ty quản lý quỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhân sự cao cấp đang hướng đến cuộc sống mới ở một nước mà theo họ, mức độ phụ thuộc vào TTCK trong cuộc sống của họ không quá lớn. Những ưu đãi về tài chính, điều kiện ăn ở, học hành cho gia đình, con cái, môi trường làm việc chuyên nghiệp từ các tổ chức quốc tế đã hấp dẫn không ít người. Điều này càng dễ xảy ra hơn khi bản thân họ nhận định tình hình TTCK trong nước khó thể trở lại thời kỳ phồn vinh trong vòng 2 năm tới. Ngay cả những du học sinh ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nhiều người vốn có ý định sẽ về nước sau khi tốt nghiệp, nhưng giờ đây cũng lựa chọn ở lại nước ngoài để làm việc hoặc chọn một quốc gia thứ ba (như Singapore, Thái Lan, Anh, Pháp…) làm bến đậu.

Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng những bữa tiệc chia tay diễn ra ngày càng nhiều cho thấy nguy cơ chảy máu chất xám ngành tài chính ngày càng lớn. TTCK đi xuống khiến những người có năng lực không được quan tâm và trọng dụng đúng mức sẽ lựa chọn ra đi để tìm mảnh đất hứa cho riêng mình. Thất thoát tài nguyên con người thật sự là một nguy cơ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình. Nhân sự là yếu tố nòng cốt để phát triển thị trường tài chính bền vững, cần phải có biện pháp chiêu hiền đãi sĩ, thể hiện một tầm nhìn dài hạn hơn là việc trọng dụng và gạt bỏ theo diễn biến nóng - lạnh của thị trường.