Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt khoảng 4,65 tỷ USD

Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt khoảng 4,65 tỷ USD

Nhập khẩu lạm phát

(ĐTCK-online) Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với con số thực hiện của tháng trước đó. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu lại lên tới 6,95 tỷ USD và tăng tương ứng khoảng 3%.

Khi chỉ số giá cả các mặt hàng quan trọng trong nước được khống chế, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng về lạm phát từ nhập khẩu và đây cũng là mối lo của không ít doanh nghiệp xuất khẩu.

4 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,81 tỷ USD, tăng 35,6% trong cùng kỳ, so sánh tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đã gấp 4 lần xuất khẩu. Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt khoảng 4,65 tỷ USD, tương đương khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn vào cơ cấu những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh có thể thấy đều thuộc nhóm có vai trò quan trọng đối với chỉ số giá cả trong nước.

Đơn cử như thức ăn gia súc, 4 tháng kim ngạch nhập khẩu đạt 423 triệu USD, tăng 197% so với cùng kỳ. Riêng mức độ nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Mỹ được Tổng cục Hải quan ghi nhận, tăng gần 10 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Nhóm sữa và sản phẩm sữa có kim ngạch tăng tới 161,8% so với 4 tháng đầu năm 2009. Tương tự, lúa mỳ tăng 164,4%; sản phẩm hóa chất tăng 145%. Nhóm nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, xuất khẩu cũng có mức độ tăng 30-50%.

Có nhiều lý do giải thích cho việc kim ngạch nhập khẩu tăng tới 23% (tính trung bình rổ hàng nhập khẩu) so với cùng kỳ.

Trong đó, đáng chú ý là giá cả hàng hóa nhập khẩu đã tăng khá mạnh so với thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng. Giá cả tăng trong khi lượng nhập khẩu tăng chứng tỏ một thực tế đáng mừng là sự phục hồi sản xuất trong nước.

Với nền sản xuất dựa nhiều vào nguyên, nhiên liệu đầu vào nhập khẩu, lượng hàng hóa này trong thời gian tới có xu hướng tăng lên. Thêm vào đó, việc USD mất giá so với VND trong thời gian gần đây khiến hàng hóa nhập khẩu rẻ đi tương ứng, tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn tại thị trường trong nước.

Nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (có liên quan đến nhập khẩu thiết bị trong giai đoạn đầu tư cơ sở sản xuất và trang thiết bị…) cũng tăng mạnh kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, diễn biến xuất nhập khẩu trên cũng cho thấy, yếu tố giá cả bên ngoài tác động rất lớn tới chỉ số giá tiêu dùng, mà độ trễ của nó có thể phản ánh vào quý II này. Đồng thời, nhập khẩu tăng mạnh cũng sẽ tạo áp lực lên cán cân thanh toán, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có điều chỉnh về chính sách ngoại hối phù hợp.

 

Nhà xuất khẩu lo lắng

Đầu năm, ngành dệt may hồ hởi thông báo đơn hàng tăng mạnh so với năm 2009, thậm chí có những doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho nửa đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến giá cả nguyên phụ liệu trên thế giới đang khiến nhiều doanh nghiệp "méo mặt" vì nếu ký hợp đồng không khéo dễ bị hớ.

4 tháng, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của Việt Nam đạt 591 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu bông tăng tới hơn 200%, kim ngạch nhập khẩu vải và sợi các loại đều tăng khá mạnh.

Phần lớn thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày cho Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, Trung Quốc, Hàn Quốc là 2 nước đứng đầu danh sách cung cấp nguyên phụ liệu cho Việt Nam. Theo các doanh nghiệp dệt may, một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh là giá cả hàng hóa tại các thị trường tăng cao.

Trong khi đó, nhìn vào đơn giá doanh nghiệp ký hợp đồng trong những tháng đầu năm lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Đơn cử, giá xuất khẩu áo sơ mi trung bình của Việt Nam tháng 1/2010 sang Mỹ, một trong những thị trường chủ lực, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,48 USD/cái, giá FOB. Giá xuất khẩu trung bình quần áo ngủ Việt Nam tháng đầu năm 2010 giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,43 USD/cái, giá FOB.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện ngành dệt mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu cho ngành may, lượng vải nhập khẩu rất lớn. Bông trong nước chỉ đáp ứng được từ 3-5% nhu cầu của ngành dệt, hằng năm phải nhập khẩu khoảng 250.000 tấn. Xơ sợi cũng chỉ đáp ứng được chưa đầy 10%. Với nguồn lực như thế, khi giá cả nguyên phụ liệu từ các thị trường bên ngoài tăng cao, trong trường hợp doanh nghiệp không cân đối và dự báo được diễn biến giá sản phẩm trên các thị trường nhập khẩu, họ có thể rơi vào tình trạng: càng sản xuất, càng xuất khẩu càng lỗ.