Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhiều lần khóe mắt cay cay...

(ĐTCK) Cậu con trai đầu lòng 2 tuổi rưỡi của K.T.T, nhân viên một ngân hàng trong miền Nam nói với mẹ khi hôn tạm biệt đi làm: “Mẹ có thể về sớm không?”.

K.T.T bàn với chồng và thống nhất: “Từ hôm nay, nhà mình sẽ có 1 luật với 2 điều. Điều 1: Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, phải về nhà trước 7 giờ tối để còn ăn cơm và chơi với con cái được 2 tiếng đồng hồ trước khi chúng ngủ. Điều 2: Về đến nhà là rũ bỏ hết tất cả công việc để dành trọn vẹn tâm trí cho gia đình, không được để chỉ tiêu, áp lực, nuối tiếc, bực dọc, thất vọng... của công việc ảnh hưởng đến chút thời gian ít ỏi”.

Tuân thủ được một thời gian rồi công việc lại cuốn lấy K.T.T: “Anh về trước nhé, em có hồ sơ khách hàng đang gấp. Anh về trước nhé, em kiểm cho xong tháng này để chuyển đi hậu kiểm. Anh về trước nhé, em có hẹn gặp khách hàng. Anh về trước nhé, em phải làm báo cáo. Anh về trước nhé, hôm nay em đi dự khai trương showroom của khách hàng. Anh về trước nhé, em có hội thảo. Anh về trước nhé, em có tiệc…”. Áp lực doanh số khiến chị phải dành nhiều thời gian chăm sóc khách hàng và mở rộng mối quan hệ.

Thời gian thấm thoát trôi qua, cô con gái nhỏ của K.T.T cũng biết nói và một hôm công chúa nhỏ nói: “Con muốn mẹ”. Cậu con trai đầu lòng đã 4 tuổi tỏ vẻ hiểu chuyện: “Mẹ phải đi làm kiếm tiền mua sữa cho em, còn mua thức ăn và quần áo nữa”.

“Một lần nữa, khóe mắt tôi cay cay”, K.T.T chia sẻ. “Thức ăn, quần áo, tiền… ai cũng cần. Nhưng kiếm cho lắm rồi có mua được lại thời gian cho gia đình không? Tuổi thơ của con qua đi thì tiền có mua lại được không? Tôi muốn nghỉ làm”.

K.T.T quyết định tìm một công việc khác chủ động hơn về thời gian, không phải đi sớm về trễ. Sáng ra có thể đưa con đi học rồi mới đi làm, chiều đón con về cơm nước, tắm rửa và chơi với chúng. Chị đưa chuyện này ra bàn với chồng và không ngờ chồng đồng ý rất nhanh.

K.T.T kể: “Tôi đến cơ quan như mọi ngày, tươi cười chào các anh chị em đồng nghiệp, khách hàng lại đến tấp nập, trò chuyện đôi chút, giao dịch xong và vui vẻ chào tôi ra về. Cuộc gọi, tin nhắn viber, zalo, facebook lại liên tục, hỏi lãi suất, tỷ giá, chương trình khuyến mãi, tư vấn dịch vụ, giải đáp thắc mắc, xử lý sự cố… hay đôi khi là tâm sự gia đình.

Một ngày với bấy nhiêu việc, lâu dần tôi như người bạn của khách hàng được họ tin tưởng và tiếp tục giới thiệu thêm cho tôi nhiều khách hàng nữa. Chợt nhận ra mình mắc nợ họ, mắc nợ họ sự tin yêu, mắc nợ họ sự kỳ vọng, bởi tin yêu và kỳ vọng mình sẽ hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc khi họ cần mà họ đến đây mở tài khoản và là khách hàng của mình. Nếu như nghỉ làm thì nợ này làm sao trả”.

Công việc hiện tại và gia đình đều không bỏ được, K.T.T bắt đầu lập kế hoạch cho cả hai lựa chọn của mình.

K.T.T cho biết: “Đầu tiên, tôi định danh và phân loại các công việc theo từng bậc quan trọng/không quan trọng và cấp bách/không cấp bách để lên lịch xử lý. Từ đó, tôi giải quyết công việc một cách nhanh chóng hơn, không sót việc và hiếm khi phải xử lý gấp.

Tôi sắp xếp lại công cụ và tài liệu một cách khoa học, ngăn nắp gọn gàng. Thời gian ở văn phòng là thời gian không ở bên gia đình, vì vậy cực kỳ quý giá, tôi không cho phép mình lãng phí chỉ để tìm một thứ nào đó do sự không trật tự của mình.

Tôi kết hợp công việc với gia đình. Tôi đi cùng chồng và con đến các sự kiện có thể. Một số cuộc hẹn thân tình tôi có thể hẹn tại nhà. Tôi lên kế hoạch tháng, quý, năm đan xen cả công việc và gia đình.Tôi chia sẻ nhiều hơn công việc của mình với chồng để anh hiểu và đôi khi có những hỗ trợ rất hữu ích cho tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe vì có khỏe mới tỉnh táo, tập trung và làm việc hiệu quả được…”.

Mọi việc ban đầu cũng có những khó khăn nhưng dần dần đã hình thành như một thói quen, K.T.T đã có thể về sớm để đón con. Tuy vậy, đến giờ phút này, chị cũng đã chia tay ngân hàng sau nhiều năm gắn bó. 

Tin bài liên quan